Từ khi Apple giới thiệu Apple Watch, công ty đang dần chuyển sang không gian y tế và đó là điều hợp lý. Khi đó, cũng như hiện tại, chi phí chăm sóc sức khỏe ở Mỹ đang tăng lên và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Apple cũng đã mạnh dạn hơn trong các nỗ lực giúp khách hàng kiểm soát sức khỏe của mình. Mùa hè năm ngoái, CEO Apple Tim Cook đã nhiều lần nói rằng “đóng góp lớn nhất” của công ty sẽ là sức khỏe của mọi người.
Apple không đơn độc trong việc cố gắng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Amazon đã công bố mua lại PillPack vào năm 2018 để tiếp cận thuốc theo toa và One Medical để tiếp cận bác sĩ vào năm 2022, theo The Verge.
Giờ đây, dịch vụ "huấn luyện viên ảo" mới có tên mã là Quartz, nghe giống như một phiên bản mở rộng của chiến lược Apple Watch, chuyển từ sức khỏe thể chất sang sức khỏe tinh thần, Bloomberg đưa tin.
Nó “được thiết kế để giúp người dùng có động lực tập thể dục, cải thiện thói quen ăn uống và giúp họ ngủ ngon hơn” bằng cách sử dụng “AI và dữ liệu từ Apple Watch để đưa ra đề xuất và tạo các chương trình huấn luyện phù hợp với người dùng cụ thể”.
Mặc dù Quartz có thể không được tung ra thị trường, nhưng việc xem xét kỹ trải nghiệm của Apple Watch là rất quan trọng vì điều đó cho chúng ta biết những gì sẽ xảy ra khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho nhà táo.
Rất nhiều người thích Apple Watch và thấy nó hữu ích. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, nó có thể trở thành nguyên nhân khiến lối sống của người dùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng mới của Apple liên quan đến việc số hóa những thứ đã có sẵn cho người dùng với giá rẻ hoặc miễn phí.
Đáng chú ý nhất là “dịch vụ ghi nhật ký” mới được đề xuất. Một dịch vụ viết nhật ký rất hiệu quả đã tồn tại: một cuốn sổ. Người dùng có thể mua một chiếc với giá khoảng vài chục nghìn và thậm chí người dùng có thể trang trí nó theo bất cứ cách nào mình mong muốn.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện tại, việc các ứng dụng dạng này được phát triển để khiến người dùng cảm thấy có khả năng kiểm soát rất nhiều. Điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng cố tránh xa khỏi màn hình và tìm những cách khác để cân bằng cuộc sống.
Một số vẫn lo ngại về cách tiếp cận thông báo của Apple và cách tiếp cận mù quáng về mặt khoa học đối với sức khỏe hành vi. Ví dụ, không có nghiên cứu nào đằng sau việc tính tổng thời gian đi lại trong ngày là tốt cho người dùng, như những gì Apple Watch cho biết.
Quyết định theo dõi lượng calo làm mặc định cho mục tiêu Di chuyển là nguy hiểm đối với những người mắc chứng rối loạn ăn uống. Việc tập trung vào các mục tiêu có thể tạo ra hành vi cưỡng chế, không tốt cho người dùng.
Can thiệp sức khỏe hành vi nổi tiếng là khó khăn. Điều này đòi hỏi Apple phải nắm bắt tâm lý người dùng, nhưng cũng đòi hỏi sự linh hoạt nhất định vì cuộc sống của con người rất phức tạp. Cách tiếp cận tùy tiện của Apple đối với sức khỏe thể chất đã đủ tồi tệ và ý tưởng tiếp cận sức khỏe tâm thần dường như thu về nhiều lo ngại hơn là hào hứng.