Thông tin một nữ sinh viên ở Hà Giang, là thủ khoa ĐHSP II nhưng không vào được biên chế, phải ở nhà chăn lợn giúp mẹ chờ việc đã tạo sóng dư luận. Nhiều ý kiến chỉ trích về việc nhân tài không được trọng dụng, vì không có tiền, hay có các mối quan hệ...
Tuy nhiên, tại Hà Giang, biên chế giáo viên (GV) môn Ngữ văn, đã dư thừa. Muốn vào biên chế, phải có chỉ tiêu, phải thông qua thi tuyển. Đang thừa GV nên không thể có chỉ tiêu.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là trong đợt thi tuyển GV vào trường chuyên của tỉnh, nữ sinh này đã không đủ tự tin để tham dự.
Vậy, không thể trách cứ lãnh đạo tỉnh, và ngành giáo dục Hà Giang. Đáng trách chăng, là “ông quy hoạch”. Nghĩa là các trường sư phạm được mở ra quá nhiều, tuyển sinh ồ ạt, trong khi thực tế GV đang dôi dư quá nhiều.
Nhiều địa phương, không thể giải quyết GV dôi dư, vì họ đã trong biên chế. Đã có nhiều bài báo phản ánh hàng trăm GV bị cắt hợp đồng, bị “cho ra đứng đường” dù dạy nhiều năm, có nhiều thành tích.
Đây là điều bất đắc dĩ mà lãnh đạo các địa phương không muốn, nhưng không thể làm khác.
Mặt khác, nữ sinh viên kia vì hai chữ “biên chế” níu kéo. Đã có những trường tư mời em đi dạy, nhưng em từ chối vì chờ đợi được vào biên chế, để dạy gần nhà.
Tuy nhiên, tư duy chắc suất biên chế để có việc làm ổn định đã không còn phù hợp. Trong tương lai, biên chế sẽ ngày càng giảm chứ không tăng. Mặt khác, việc làm ở khối tư nhân đa dạng, với mức thu nhập hấp dẫn, nếu cá nhân có năng lực. Đây mới thực sự là chìa khóa để giải quyết bài toán việc làm hiện nay.
Muốn thành công ở khối tư nhân, đòi hỏi người lao động phải thực sự có năng lực, có khả năng thích ứng cao, luôn nỗ lực, sáng tạo, chấp nhận cạnh tranh để tồn tại. Đây là những kỹ năng mà nhiều trường ĐH hiện chưa chú trọng đào tạo cho sinh viên. Dẫn đến sinh viên có bằng cấp, điểm số rất đẹp nhưng thất nghiệp vì không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đây thực sự là điểm yếu, là “lỗ hổng” lớn của đào tạo ĐH hiện nay, nếu không được khắc phục, đào tạo ĐH sẽ ngày càng lãng phí, tụt hậu, thậm chí tự đào thải.