Lo chất lượng học bạ
Quảng Bình là tỉnh đầu tiên quyết định bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập (trường Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp).
Điểm học bạ của học sinh trong 4 năm THCS được quy ra theo các thang điểm nhất định. Đây sẽ là căn cứ để các trường THPT trên địa bàn Quảng Bình xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2020-2021.
Điểm rèn luyện và học tập mỗi năm học được tính dựa trên kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở cấp THCS. Cụ thể như sau: Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 10 điểm; Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 9 điểm; Hạnh kiểm khá, học lực khá: 8 điểm; Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 7 điểm; Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 6 điểm. Các trường hợp còn lại: 5 điểm.
Sau khi quy đổi, học sinh sẽ cộng tổng điểm rèn luyện và học tập cả 4 năm học ở cấp THCH, cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có) để ra điểm xét tuyển.
Khi xét đến chỉ tiêu cuối, nếu 2 thí sinh trở lên có điểm xét tuyển bằng nhau, trường chọn theo thứ tự ưu tiên: Điểm trung bình cả năm học lớp 9 cao hơn, tổng điểm trung bình cả năm của môn Toán và Ngữ văn lớp 9 cao hơn. Nếu vẫn còn trường hợp điểm bằng nhau, giám đốc sở GDĐT quyết định.
Là trường ngoài công lập nhiều năm cũng chỉ tổ chức xét tuyển, vì thế, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ nghi ngại nếu mở rộng hình thức xét tuyển thì khó khách quan khi chất lượng học bạ không tương xứng với năng lực của học sinh.
Theo bà Na: “Nhiều trường THCS có hiện tượng làm đẹp học bạ để học sinh có lợi trong xét tuyển, để lấy thành tích, thi đua… Nếu tính đến phương án xét tuyển thì cần phải làm sao học bạ phản ánh chính xác năng lực của học sinh”.
Tình trạng làm đẹp học bạ cũng được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảnh báo trong xét tuyển vào đại học. Người đứng đầu ngành Giáo dục nêu thực trạng: "Có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao”.
Khó cũng nên làm
Là người trực tiếp đứng lớp, Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan - giáo viên Trường THCS Vũ Tiến, (Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng xét tuyển vào lớp 10 bằng học bạ cũng là 1 phương án tuyển sinh khả thi và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và ngân sách, đặc biệt là giảm áp lực cho học sinh.
Tuy nhiên, nữ giáo viên cũng bày tỏ để có cuốn học bạ đúng năng lực là một việc rất kỳ công và đòi hỏi người giáo viên phải thanh liêm và công tâm, trân trọng tài năng. "Biết là khó nhưng không thể không làm", bà Loan nhấn mạnh.
Các giải pháp được giáo viên này đưa ra như lương giáo viên đảm bảo đủ sinh sống để họ chuyên tâm thực hiện đúng chuyên môn một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, các bài kiểm tra đánh giá định kỳ của học sinh phải được giám sát chặt chẽ, công khai. Điểm kiểm tra miệng trước lớp với điểm kiểm tra viết mà quá chênh lệch thì cần phải kiểm tra lại.
Việc bình bầu xếp loại hạnh kiểm phải được xét công khai kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, dạy môn Giáo dục Công dân với tập thể lớp dưới sự chứng kiến của ban giám hiệu.
Ngoài ra, việc kiểm tra và xử lí hiện tượng làm đẹp học bạ cũng cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch và kỉ luật nghiêm minh.