Những giờ qua đã có nhiều tranh cãi liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội).
Chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Bùi Hiền cho biết những đề xuất của ông chỉ nằm trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu, đã được ông bắt tay vào thực hiện từ 20 trước. Những gì đăng tải trên báo chí là một phần của công trình nghiên cứu.
Lý do để ông nghĩ đến việc cần cải tiếng chữ viết, vì sau hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, biên soạn từ điển, ông thấy chữ quốc ngữ có nhiều ký âm rắc rối. Rất nhiều người cho đến lúc già vẫn chưa viết đúng chính tả.
Từ đó, PGS Hiền đưa ra phương án làm cơ sở để cải tiến chữ viết. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z và thay đổi 11 chữ cái hiện có trong bảng chữ cái hiện hành.
Theo PGS Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, không có chuyện viết sai lỗi chính tả, không gây khó khăn cho người dùng.
Ngoài ra sẽ giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31. Người dân sẽ không cần phải phân biệt “ch” với “tr”, hay “r” với “gi” và “d”… Đồng thời sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, vì số ký tự khi soạn thảo văn bản sẽ ít đi, in ấn đỡ tốn tiền giấy mực.
PGS Hiền cũng nói thêm, việc nghiên cứu cải tiến chữ viết như trên chỉ là ý kiến của cá nhân ông. Phản ứng của dư luận trong những giờ qua cũng là dễ hiểu, vì một cái mới bao giờ cũng có tranh cãi. Tuy nhiên ông mong nhận những ý kiến góp ý về mặt chuyên môn.
“Ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng có không ít người phản đối. Có người còn nói ý tưởng này là điên rồ. Họ thấy tiếng Việt như thế là tốt lắm rồi, không nên cải tiến gì nữa” - PGS Bùi Hiền chia sẻ.
Ông cũng nói thêm: “Thực ra tôi chưa muốn báo chí đưa nghiên cứu của mình ra trước công luận vào lúc này vì chưa có sự chuẩn bị kỹ, như vậy có thể gây xáo trộn xã hội. Hiện tại đề án vẫn chưa hoàn thiện, tức là mới có một phần về phụ âm, còn nguyên âm tôi chưa đưa ra. Việc độc giả chỉ đọc những tóm tắt công trình trên báo chí sẽ không hiểu hết được vấn đề, dễ có những phản ứng tiêu cực”.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng PGS-TS Bùi Hiền cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề cải tiến chữ viết và sẽ sớm đưa công trình hoàn thiện của mình ra trước công luận.