Những con số báo động
Xung đột vũ trang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực. Báo cáo toàn cầu về "Khủng hoảng lương thực năm 2023" cho thấy, các cuộc xung đột đã đẩy hơn 117 triệu người vào hoàn cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng, chỉ sau các cú sốc kinh tế (84 triệu) và thời tiết cực đoan (hơn 56 triệu).
Xét một cách trực tiếp, xung đột sẽ xảy ra nguy cơ đầu độc nguồn nước, phá hoại mùa màng hoặc những cách tước đoạt nguồn sống khác. Một cách gián tiếp, các tuyến đường vận chuyển bị phá hủy, người dân phải sơ tán, những chất nổ còn lại sau trận chiến…
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đang có thêm hơn 122 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói kể từ năm 2019 do đại dịch, xung đột, biến đổi khí hậu.
Nếu mọi thứ vẫn diễn ra như hiện tại, nỗ lực chấm dứt nạn đói vào năm 2030 sẽ không thể hoàn thành.
Trong đó, có rất nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thự trầm trọng như châu Á, Mỹ Latinh, Tây Á và đặc biệt là châu Phi. Lục địa đen vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi cứ 5 người thì có một người phải vật lộn với nạn đói. Tỉ lệ này gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
“Có những tia hy vọng khi một số khu vực đang trên đà đạt được mục tiêu dinh dưỡng vào năm 2030. Nhưng nhìn chung, chúng ta cần một nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ và ngay lập tức để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết.
Báo cáo của nhóm các lãnh đạo Liên Hợp Quốc viết: “Không còn nghi ngờ gì khi con đường đến mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030 là rất khó khăn. Theo ước tính, gần 600 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030…”.
Hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục bị suy dinh dưỡng: Năm 2022 đã có 148 triệu trẻ em dưới 5 tuổi (22,3%) bị thấp còi, 45 triệu (6,8%) bị gầy còm và 37 triệu (5,6%) bị thừa cân.
Báo cáo cũng xem xét quá trình đô thị hóa như một yếu tố chính ảnh hưởng đến lương thực. Với gần 7/10 người dự kiến sẽ sống ở thành phố vào năm 2050. Đặc biệt, khái niệm phân chia nông thôn và thành thị không còn phù hợp với hệ thống nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa.
Cần tạo ra sự khác biệt
Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) Qu Dongyu cho biết: “Sự phục hồi sau đại dịch toàn cầu không đồng đều và xung đột Ukraine đã ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và chế độ ăn uống. Biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn kinh tế đang đe dọa đến nhiều người”.
“Một thế giới không nạn đói là điều khả thi. Những gì chúng tôi đang thiếu là các khoản đầu tư và quyết tâm của các quốc gia để thực hiện các giải pháp trên quy mô lớn.
Chúng ta có thể xóa bỏ nạn đói nếu coi nó là ưu tiên toàn cầu. Đầu tư vào nông dân quy mô nhỏ, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận công nghệ… có thể tạo ra sự khác biệt. Các nhà sản xuất quy mô nhỏ là một phần của giải pháp. Nếu được hỗ trợ đúng cách, họ có thể cho sản lượng lớn hơn, đa dạng hóa sản xuất và cung cấp cho cả thị trường thành thị và nông thôn những sản phẩm chất lượng’’ - Chủ tịch Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) Alvaro Lario đưa ra giải pháp.
Giám đốc Điều hành UNICEF, Catherine Russell, đánh giá: “Suy dinh dưỡng là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn, tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Quy mô của cuộc khủng hoảng dinh dưỡng đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ hơn. Một số giải pháp có thể áp dụng như ưu tiên tiếp cận chế độ ăn uống đủ chất và giá cả phải chăng, các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu, tăng cường chuỗi cung ứng thực phẩm...”.