Dời ngày trả cổ tức lần thứ 8
Căn cứ công văn của Công ty cổ phần Lilama 45.4 (mã chững khoán: L44), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ra thông báo thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền của L44.
Theo đó, đợt trả cổ tức được dời thêm 1 năm, tức là chuyển từ ngày thanh toán 30.12.2022 sang ngày 29.12.2023. Đáng chú ý, đây là lần thứ 8 mà L44 thay đổi thời gian thanh toán cổ tức cho các cổ đông.
Lý do là hiện tại công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Được biết L44 đang tiến hành phương án tái cấu trúc tài chính để duy trì hoạt động, cố gắng sắp xếp nguồn vốn và ưu tiên trả các khoản nợ người lao động, ngân sách. Do đó, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Trước đây, vào năm 2015, cũng do dời ngày trả cổ tức năm 2012 và 2013 đến tận cuối năm 2016 thay vì phải trả vào cuối tháng 7.2015 sau nhiều lần hoãn trả cổ tức cho cổ đông mà bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị L44 lúc ấy đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 60 triệu đồng. Đến nay, câu chuyện cổ tức tại L44 lại khiến các cổ đông chán ngán.
Không chỉ tại L44, các cổ đông của nhiều doanh nghiệp khác cũng bị giảm hoặc bị thay đổi tỉ lệ cổ tức hay kế hoạch nhận cổ tức. Đơn cử, cổ đông của Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu (Comeco, mã chứng khoán: COM) cũng không vui khi đón nhận thông báo nghị quyết của hội đồng quản trị hoãn chi tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt.
Trước đó, COM quyết định tạm ứng cổ tức cho cổ đông theo tỉ lệ 15% vào ngày 6.1.2023 nhưng nay sẽ được hoãn cho đến kỳ đại hội cổ đông thường niên gần nhất.
Cần có chế tài nghiêm
Sở dĩ COM phải lùi ngày trả cổ tức bởi trong quý gần nhất doanh nghiệp này lỗ ròng gần 8 tỉ đồng, tăng hơn mức lỗ 3,3 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty lãi ròng gần 4 tỉ đồng, giảm mạnh 82% so với cùng kỳ. Đến cuối quý III, tổng tài sản của COM là 552,8 tỉ đồng, công ty có gần 168 tỉ đồng tiền và tương đương tiền.
Thời điểm này, COM cũng nắm giữ 19,3 tỉ đồng chứng khoán kinh doanh và phải trích lập dự phòng 3,2 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty này còn có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn hơn 35,5 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Điện tử Hyundai Việt Nam từ hợp đồng mua bán hàng hóa năm 2012.
Tình hình kinh doanh không được lạc quan như COM, thông tin về kết quả kinh doanh của L44 cũng khá thưa thớt. Tuy nhiên, theo báo cáo, đến cuối năm 2021, L44 lỗ lũy kế hơn 188,5 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 131 tỉ đồng. Kết quả này khó có thể đảm bảo quyền lợi thông qua trả cổ tức cho các cổ đông của L44.
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc giảm tỉ lệ chi trả cổ tức được đại hội cổ đông thông qua hay lùi, hoãn thời gian chi trả cổ tức thể hiện sự yếu kém trong việc quản trị của các doanh nghiệp.
Đại diện VAFI cho rằng, khi được đại hội cổ đông thông qua, cổ tức sẽ trở thành quyền lợi mà các cổ đông được hưởng từ kết quả kinh doanh trước đó của doanh nghiệp và cũng có thể được coi là một khoản nợ cổ đông.
Như vậy trường hợp doanh nghiệp khó khăn nhất thời, cổ đông có thể thông cảm và lùi ngày chi trả một hoặc hai lần nhưng nếu doanh nghiệp liên tục lùi thời hạn trả cổ tức từ năm nay qua năm khác thì cần phải xem xét lại bởi có nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu để hưởng cổ tức, nhiều cổ phiếu tăng giá là nhờ doanh nghiệp chi trả cổ tức cho cổ đông.
Do đó, đại diện VAFI cho rằng, cần có chế tài nghiêm từ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này để tạo niềm tin vào thị trường chứng khoán.