Sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, năm 2021 có thể xem là một trang mới của công ty sau nhiều năm cầm cự và nỗ lực vượt khỏi "khối u" nợ nần. Hoạt động kinh doanh khởi sắc với hướng đi mới, giá cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai cũng đã quay trở lại mệnh giá và sau đó đã có chuỗi ngày tăng điểm đáng chú ý vào giai đoạn cuối năm 2021 cả về giá trị lẫn thanh khoản. Trong đó, giá trị giao dịch mỗi phiên rất cao với vài chục triệu cổ phiếu trong một thời gian dài.
Tuy nhiên ngay từ đầu năm 2022, trước thông tin Hoàng Anh Gia Lai đối mặt án bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vì công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), thời gian gần đây, cổ phiếu HAG bị rơi vào nhóm bị nhà đầu tư bán mạnh. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 14.2.2022, cổ phiếu này giảm sàn về mức 11.550 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 16 triệu cổ phiếu trong tình trạng trắng bên mua. Cần nhấn mạnh, do phải điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính (BCTC) đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Riêng năm 2021, công ty đã có lãi trở lại, dự kiến tăng trưởng bằng lần sang năm 2022.
Đó là lý do mà các cổ đông công ty này gửi đơn kêu cứu đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quan điểm của các cổ đông, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31.12.2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e thì không có quy định hồi tố lỗ". Cùng với đó, BCTC hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét để huỷ niêm yết hay không.
"Công ty công bố BCTC 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3.2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo huỷ? Nếu HOSE tiến hành huỷ đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện nay, đặc biệt những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3.2021 căn cứ vào BCTC quý HAG gần đây có lãi. Chúng tôi, là những cổ đông đã đầu tư sau thời điểm ngày phát hành BCTC đã kiểm toán 2020 (vào tháng 4.2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý, sao giờ lôi chuyện cũ ra xem xét?..." - các cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai nêu quan điểm.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Đầu tư quỹ DG Investment - cũng cho rằng, nếu việc điều chỉnh hồi tố số liệu dẫn đến “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục” nhưng năm 2020, hay 2021 mà cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai có lợi nhuận thì sẽ không còn thuộc diện “bị thua lỗ trong 03 năm liên tục” nên năm 2022 mới xem xét xử lý sẽ không bị hủy bỏ niêm yết vì không còn thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết tại điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Nhã (Văn phòng luật DBS TPHCM), điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155 chỉ áp dụng khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp thể hiện qua BCTC kiểm toán hàng năm của doanh nghiệp. Trái lại, nếu kết quả BCTC kiểm toán thể hiện doanh nghiệp không thua lỗ, nhưng sau đó doanh nghiệp phát hiện lỗ và công bố thông tin điều chỉnh thì luật không có quy định huỷ niêm yết trong trường hợp này. Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay Hoàng Anh Gia Lai làm ăn có lãi mà hủy niêm yết Hoàng Anh Gia Lai sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại.