Đều đặn chiều chủ nhật, bà Dung (Đống Đa, Hà Nội) - một cán bộ về hưu - lại cùng chồng đến cửa hàng xát gạo mới để ăn trong tuần.
Bà Dung chia sẻ: “Cứ ngày này, tôi lại tranh thủ về sớm (bà đi tập thể dục dưỡng sinh - PV) từ lúc 16h00 để đi xát gạo. Mỗi lần đến đây tôi xát loại gạo lứt tươi, từ 3 đến 4kg. Số gạo ấy đảm bảo ăn đủ trong 1 tuần”.
“Nhiều người bảo tôi việc gì phải làm vậy, vừa mất thời gian vừa mất công, sao không mua sẵn vài bao về ăn dần? Tôi nghĩ chắc là họ chưa biết ăn gạo tươi là như thế nào. Mà đã là gạo tươi thì phải ăn đến đâu xát đến đấy, không cất trữ lâu trong thùng. Có những hôm đường Hà Nội kẹt xe kinh khủng, gạo trong nhà vừa hết, tôi vừa đi vừa lo chỉ sợ muộn giờ không kịp thổi cơm”, bà kể.
Khác với bà Dung, chị Huyền, một nhân viên văn phòng bận rộn, cho hay, những hôm nhiều việc, chị không ra được cửa hàng mua được thì gọi điện đặt trước một ngày. Cửa hàng xát sẵn cho vào túi giấy rồi giao cho bác giúp việc nhà chị.
Chia sẻ về cách nấu gạo tươi, bà Dung tiết lộ, đây là khâu khá quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ăn xong bữa trưa đã phải lo cho bữa tối. Vì bà phải ngâm gạo từ 2-3 tiếng để hạt gạo nở ra, dễ nấu, loại bỏ các độc tố bên ngoài lớp vỏ.
"Tôi thường đổ tỷ lệ 1 gạo - 1 nước, cho thêm một chút muối, nấu trong vòng 45 phút. Gạo này phải ăn chậm, nhai kĩ mới cảm nhận được độ mềm dẻo, bùi bùi, đậm đà”, bà khuyên.
Còn tại nhà chị Huyền, người giúp việc thường nấu bằng nồi đất lớn. Mỗi tuần nhà chị ăn xen kẽ 3 bữa gạo tươi, còn đâu vẫn duy trì ăn gạo trắng. “Ăn gạo tươi nguyên cám, tuy ít nhưng rất đủ chất, cảm giác no lâu và dễ tiêu hóa”, chị Huyền nhận xét.
Không riêng bà Dung, chị Huyền, hiện nhiều người tiêu dùng quay trở lại tìm ăn gạo thời trước. Vì thế, gạo tươi đang dần quay trở lại và xuất hiện ngày càng nhiều trong nhịp sống hiện đại.
Theo một cơ sở kinh doanh gạo, “gạo tươi” là gạo được xát ra trực tiếp từ lúa và đem về tiêu dùng chứ không thông qua công đoạn nào khác. Hạt gạo tươi khá “mộc”, có màu trắng đục tự nhiên, còn nguyên lớp cám bên ngoài; màu sắc khác biệt so với màu trắng tinh của hạt gạo công nghiệp đã qua chế biến.
Xu hướng tiêu dùng gạo tươi trên thế giới đã có từ lâu, đặc biệt ở các nước phát triển, điển hình như Nhật Bản đi đầu trong việc giữ gìn độ nguyên thủy của thức ăn. Ăn gạo nguyên cám mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Trong thực phẩm nguyên cám có hàm lượng chất xơ cao. Lớp vỏ cám bên ngoài gạo lứt có chứa vitamin hơn 200 vitamin và nhiều khoáng chất.
Anh Vũ Hồng Long, đại diện một Cty lương thực, cho biết: “Gần đây, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, gạo thường bị xát kỹ, đánh bóng, chỉ còn tinh bột, mất hết vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe quay lại ăn gạo vừa xay xát. Thị hiếu chung của người Việt là thích gạo mới, dẻo, thơm. Gạo tươi phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Gạo trồng theo phương thức hữu cơ, được hướng dẫn giám sát nghiêm ngặt”, anh phân tích.
Để có gạo tươi thành phẩm, các cơ sở xát gạo tại chỗ bằng máy xát mini. Chi phí đầu tư một máy xay lúa mini này lên đến trên 100 triệu đồng, ngoài ra họ thường đầu tư thêm máy lọc sạn khoảng 30 triệu đồng. Chính vì quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chi phí sản xuất lớn nên giá của “gạo tươi” cao hơn so với các loại gạo khác.
Chị Linh - một khách hàng thường xuyên ăn gạo tươi, nói: Hiện mỗi ký gạo tươi có giá từ 35.000 đến 50.000 đồng. Với giá trị dinh dưỡng, độ ngon và chi phí trả thêm hàng ngày thì giá gạo tươi như vậy là không hề đắt.
Trong lúc thị trường đang xuất hiện các loại gạo bẩn, gạo giả, gạo không rõ nguồn gốc gây hoang mang cho người tiêu dùng thì việc sử dụng “gạo tươi sạch” từ các nhà cung cấp uy tín, minh bạch về xuất xứ được xem là sự lựa chọn thông minh để bảo vệ sức khỏe của mỗi gia đình.