Trong sáu tháng đầu năm nay, tiền gửi ngoại tệ tiếp tục xu hướng sụt giảm. Số liệu thống kê của Ngân hành Nhà nước (NHNN) chi nhánh (CN) TPHCM cho thấy, huy động vốn ngoại tệ trên địa bàn giảm 1,07% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, trong quí 3 vừa qua, tại TPHCM nhu cầu tiền gửi ngoại tệ có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Cụ thể, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đến cuối tháng 7 tăng 2,76% so với đầu năm, đến tháng 8 tăng lên 4,19% và con số của tháng 9 là 6,25%. Trong khi đó, theo báo cáo của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng tới 12,9%, cao hơn hẳn mức 5,4% cùng kỳ năm ngoái. Huy động ngoại tệ tăng 4,3%.
Uớc tính đến hết tháng 9.2017, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,5% so với cuối năm 2016, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp tăng 12,9% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,5%). Đi sâu hơn, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm. Tín dụng trung và dài hạn ước tăng 10,7% (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,9%), chiếm 54% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2016 chiếm 55,6%).
Tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tín dụng ngoại tệ ước tăng tới 12,9%, cao hơn nhiều mức 5,4% cùng kỳ năm 2016, chiếm 8,4% tổng tín dụng. Tín dụng VND ước tăng 13% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 14,4%), chiếm khoảng 91,6% (gần như không đổi so với cùng kỳ 2016).
Huy động vốn 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, gần như đã “bắt kịp” tăng trưởng tín dụng, ước tăng 11,2% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,1%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 10,9% so với cuối năm 2016, phát hành giấy tờ có giá ước tăng 18,6%.
Nhìn vào các số liệu đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính với việc nhu cầu vay ngoại tệ tăng vào cuối năm, nếu nhu cầu tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng tăng thì tất yếu sẽ có những tác động lên cung - cầu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.