MINISO ghi nhãn phụ “đối phó”, không có tem hợp quy: Xử phạt thế nào?

Linh Linh |

Như Lao Động đã thông tin trong số báo 162 đăng ngày 14.7.2017, một số sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc tại chuỗi cửa hàng mang thương hiệu MINISO không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc nếu có dán thì lại không ghi đủ thông tin cần thiết. Đồng thời, nhiều sản phẩm không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật hiện hành. Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, sẽ chỉ đạo các Chi cục vào cuộc, đồng thời phối hợp cùng Thanh tra Bộ xử lý.

Ghi nhãn kiểu đối phó “có cũng như không”

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại cửa hàng MINISO trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện vẫn bày bán các sản phẩm không hề có dán nhãn phụ tiếng Việt, trên bao bì chỉ có duy nhất một nhãn tiếng Anh. Đơn cử như các sản phẩm: Packs Environment Friendly Bowl (Sản phẩm bát thân thiện với môi trường - PV), Silicone Cup Cake Mold (Khuôn làm bánh bằng nhựa), Olive Essence Oil (Tinh dầu ôliu - PV), Simple Food Container (Hộp đựng thức ăn kiểu đơn giản - PV)…

Ngoài các sản phẩm không có nhãn phụ trên, nhiều sản phẩm tại đây dù có ghi nhãn tiếng Việt nhưng thiếu hàng loạt thông tin cần thiết đối với người tiêu dùng như: Hướng dẫn sử dụng, Cảnh báo an toàn… khiến nhiều người mua lúng túng vì lâm vào cảnh “chỉ biết tên nhưng không biết dùng”.

Theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP) về nhãn hàng hóa - quy định rõ: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này”.

Song theo ghi nhận, đơn cử sản phẩm “Quạt cầm tay” hiện được bày bán trong chuỗi cửa hàng này chỉ được ghi “lèo tèo” vài thông tin cơ bản như: Tên sản phẩm, giá, nhập khẩu và phân phối, xuất xứ, barcode. Trong khi đó theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43, các sản phẩm đồ gia dụng, thiết bị gia dụng phải ghi rõ thành phần; thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo… Đáng tiếc là những thông tin quan trọng như Hướng dẫn sử dụng và 6 điều cảnh báo của sản phẩm này chỉ được in trên vỏ hộp bằng tiếng Anh.

Không những vậy, nhiều sản phẩm mỹ phẩm, đồ trang điểm dù có nhãn tiếng Việt nhưng không hề ghi rõ thông tin về: Thành phần; Số lô sản xuất; Thông tin, cảnh báo về thành phần, chất liệu… theo đúng quy định khiến người tiêu dùng mông lung về chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm “Quạt cầm tay” trên nhãn tiếng Việt chỉ ghi "lèo tèo" vài thông tin cơ bản, thiếu hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo… theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định 43 (Ảnh: L.L)

Nhiều sản phẩm không đóng dấu hợp quy

Điều đáng nói là nhiều sản phẩm được bày bán tại cửa hàng này thuộc đối tượng của quy chuẩn kỹ thuật nhưng không thấy đóng dấu hợp quy theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Trong số đó có thể kể đến các sản phẩm điện, điện tử như: Tai nghe, loa, sạc dự phòng, đèn bàn, phụ kiện kỹ thuật số; các sản phẩm đồ chơi trẻ em… Các sản phẩm này phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu CR và công bố hợp quy mới được lưu thông trên thị trường. Việc dán tem là để khẳng định sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn trong sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Từ đó, giảm thiểu được hàng giả, hàng kém chất lượng, làm minh bạch thị trường.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cho biết, nếu thực sự các sản phẩm đó thuộc đối tượng của quy chuẩn kỹ thuật mà không công bố hợp quy, không đóng dấu hợp quy để người tiêu dùng biết thì chắc chắn là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ông Linh cho biết sẽ chỉ đạo các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như các cơ quan liên quan xử lý và làm rõ vụ việc. Hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ, trình Chính phủ Nghị định mới thay thế Nghị định 80, trong đó có nội dung xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7 này để sớm ban hành.

Theo Điều 19 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về công bố hợp quy, dấu hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá phải công bố hợp quy cao nhất từ 160.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 320.000.000 đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 2-3 lần đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo điểm 5, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu không thực hiện công bố hợp quy; không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh; Không sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường…

 

Linh Linh
TIN LIÊN QUAN

MINISO bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, đánh đố người tiêu dùng

Linh Linh |

Mặc dù thương hiệu MINISO đã chính thức “đặt chân” vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ tháng 9.2016 nhưng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng của công ty này vẫn không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt và không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng.

Cận cảnh hố tử thần sâu hơn 1m xuất hiện sau mưa lớn ở TPHCM

TÂM QUỲNH |

TPHCM - Đường số 5, số 2, số 4, Trương Văn Hải… phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức sụt lún nghiêm trọng sau cơn mưa lớn vào tối 8.10.

Giáo viên đi vắng, lớp trưởng mầm non đánh 6 bạn bầm tím

QUANG ĐẠI |

Nghệ An – Trong khi giáo viên ra ngoài, một lớp trưởng mầm non ở huyện Nghĩa Đàn đã dùng ống nhựa đánh 6 bạn học bầm tím.

Có tình trạng nhà ở xã hội được mua bán bởi người giàu

PHẠM ĐÔNG |

Có tình trạng nhà ở xã hội được mua bán, trao đổi, cho thuê bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài mà không phải người lao động thu nhập thấp.

Nhà văn hóa xã ở Hải Phòng xuống cấp, hoạt động cầm chừng

Mai Dung |

Hải Phòng - Nhiều năm đi vào hoạt động, Nhà văn hóa xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày càng xuống cấp.

Israel lên tiếng về số phận của thủ lĩnh kế nhiệm Hezbollah

Bùi Đức |

Trong bối cảnh truyền thông quốc tế đồn đoán rằng thủ lĩnh kế nhiệm Hezbollah đã bị tiêu diệt, Israel chính thức xác nhận thông tin này vào ngày 8.10.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

MINISO bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, đánh đố người tiêu dùng

Linh Linh |

Mặc dù thương hiệu MINISO đã chính thức “đặt chân” vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ tháng 9.2016 nhưng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng của công ty này vẫn không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt và không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng.