Những tín hiệu lạc quan
Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, ngành nông nghiệp đã thành lập Tổ công tác tiêu thụ nông sản vào ngày 16.8. Thời điểm mới thành lập, Tổ công tác có 16 thành viên và sau đó bổ sung thêm 2 thành viên. Tổ này được chia làm 3 nhóm để phụ trách địa bàn các huyện, thành phố.
Hai nhiệm vụ lớn vừa trước mắt, vừa lâu dài của Tổ công tác là chủ động nắm bắt tình hình thu hoạch và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường các tỉnh thành phía Nam phải thực hiện theo Chỉ thị 16, 16+ thì Tổ công tác đã kịp thời lập kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Theo ông Nguyễn Viết Vui, Tổ trưởng Tổ công tác, các nhóm phân công thành viên phụ trách từng địa bàn, làm việc trực tiếp và gián tiếp với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông, Hội Nông dân các các huyện, thành phố...
Từ khi thành lập tới nay, Tổ công tác đã liên hệ với nhiều thương lái, các đại lý, chủ vựa thu mua nông sản... để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác đã nắm chắc các dữ liệu về thời gian, sản lượng và chủng loại nông sản vào vụ thu hoạch.
Mặt khác, Tổ công tác cũng phân tích được tình hình tiêu thụ, giá cả và các khó khăn vướng mắc trong khâu tiêu thụ. Từ các dữ liệu này, Tổ công tác lên phương án hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Một trong những dấu ấn quan trọng đó là việc thành lập nhóm Zalo "Nông sản Đắk Nông" để kết nối người sản xuất với thương lái, các đại lý, chủ vựa thu mua nông sản. Từ đó, một số doanh nghiệp, thương lái... đã chia sẻ thông tin và hỗ trợ thu gom, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Theo thống kê, từ khi được thành lập đến nay, Tổ công tác đã hỗ trợ người dân tiêu thụ được hơn 3.600 tấn rau củ, quả; hơn 5.200 tấn sầu riêng; hơn 2.500 tấn bơ các loại; 9.500 con gà...
Tổ công tác còn hỗ trợ 7 sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia Sàn thương mại điện tử quốc gia. Qua đó, các sản phẩm OCOP này đã tìm được một số thị trường tiêu thụ.
Cùng nông dân vượt khó
Ngoài kết nối thị trường, Tổ công tác đã hỗ trợ tháo gỡ các điểm "ùn tắc" về thủ tục, lưu thông trong tiêu thụ nông sản. Đơn cử, Tổ công tác đã hỗ trợ thủ tục để Công ty Vinasoy vào địa bàn thu mua 50 tấn đậu nành của Hợp tác xã Sản xuất đậu nành Nam Dong.
Tổ công tác làm đầu mối tháo gỡ vướng mắc để Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha, ở huyện Đắk Glong thu mua rau củ quả các loại cho người dân trên địa bàn, với sản lượng khoảng 10 tấn/ngày...
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Tổ công tác tiêu thụ nông sản, ông Trần Quang Đông, chủ trang trại măng cụt Gia Ân cho biết những năm trước, hầu hết sản phẩm của đơn vị đều xuất khẩu qua các nước châu Âu. Thế nhưng, năm nay, do dịch bệnh, việc tiêu thụ măng cụt rất khó khăn và chỉ phục vụ thị trường trong nước.
"Thời gian qua, trang trại được Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ hơn 3 tấn măng cụt tại thị trường TPHCM. Phấn khởi nhất đối với tôi là giữa mùa dịch nhưng giá nông sản được hỗ trợ tiêu thụ vẫn cao, gia đình vẫn thu được lợi nhuận sau nhiều năm bỏ công chăm sóc” - ông Đông chia sẻ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tất cả các thành viên Tổ công tác đều kiêm nhiệm, tự bỏ kinh phí cá nhân để hoạt động. Họ làm việc kể cả thứ 7, chủ nhật, ban đêm...