Mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định tại Hội thảo khoa học “75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng” diễn ra mới đây ở Hà Nội rằng: “Quá trình tham gia các FTA (Hiệp định thương mại tự do) cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tham gia các FTA là chiến lược hết sức đúng đắn, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước”. Nhằm phát huy vai trò của đối ngoại trong mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng và triển khai chiến lược FTA trong thời kỳ mới, đại diện Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam rất cần một chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA trong giai đoạn hiện nay. “Đặc biệt, về ngắn và trung hạn cần tập trung xử lý quan hệ với 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và EU để hướng tới xuất nhập khẩu với các thị trường này mang tính cân bằng hơn. Việc này không chỉ đảm bảo thị trường ổn định lâu dài mà còn có ý nghĩa đối với nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế” - ông Đỗ Thắng Hải nói.
Bàn về vai trò của ngoại giao trong thúc đẩy kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, “ngoại giao mở đường cho doanh nghiệp” và đây là những quốc gia thành công trong “kinh tế là bệ đỡ cho ngoại giao phát triển”.
Nói về mong muốn của những người làm kinh tế đối với sự hỗ trợ từ đội ngũ thực hiện đối ngoại kinh tế, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài có thể hỗ trợ xử lý được 4 nhóm vấn đề lớn là: Tăng cơ hội cho nền kinh tế trong nước tiếp cận với thị trường và mở rộng quy mô; Phối hợp với các quốc gia trong việc tăng cường đảm bảo an ninh mạng, không chỉ về an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa mà còn cả nhân phẩm con người; Thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở rộng quy mô thị trường để các doanh nghiệp có quy mô thị trường đủ lớn để phát triển; Và cuối cùng là hỗ trợ người lao động trong việc xâm nhập vào thị trường lao động mới xuất hiện do kinh tế số tạo ra.
“Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành ngoại giao nói chung và các cán bộ chuyên ngành ngoại giao kinh tế, bao gồm cả những người hoạt động tại các cơ quan thương vụ sẽ rất nặng nề, đòi hỏi phương pháp làm việc và cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác với kinh tế truyền thống” - ông chỉ ra.
Học những bài học tốt nhất của thế giới
Chia sẻ ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo chỉ ra: “Ngoại giao chính trị đã mở đường nhưng ngoại giao kinh tế sẽ là cái để gắn kết lợi ích của các đối tác”. Do đó, cần tận dụng hiệu quả, xây dựng chiến lược cụ thể để đan xen lợi ích với các đối tác qua chiến lược rất bài bản, cụ thể. Ông cho rằng, “đây là lĩnh vực hết sức quan trọng trong tình hình mới”.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, hiện tại là thời điểm cần tìm hiểu các mô hình phát triển mới của đất nước, tìm ra những động lực mới để đưa ra các đề xuất. “Ngành ngoại giao là ăngten của đất nước”, theo ông Thảo, do đó, cần nắm bắt thông tin một cách nhanh nhạy, có đủ nhạy cảm để nắm bắt được thông tin, kiến nghị những đối sách kịp thời, không bị động.
PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ tại hội thảo, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội “có tầm thiên niên kỷ” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi chúng ta cần phải quan tâm đến dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi và điều quan trọng là có ý định khai thác những lợi thế đang có không.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên quảng bá hình ảnh đất nước trên toàn thế giới, trong đó có hình ảnh đất nước xử lý tốt trong vấn đề dịch bệnh, làm tốt trong vấn đề kinh tế. Đại diện FPT nhận định, trong tình hình mới, chắc chắn rằng các quốc gia sẽ đưa ra những chiến lược phát triển riêng “theo kiểu cài đặt mới”. Những nội dung này chắc chắn sẽ được trao đổi tại Davos, Thụy Sĩ. “Chúng ta nên học những bài học tốt nhất của thế giới và nhanh chóng chuyển về Việt Nam” - ông nói.
“Tôi mong Bộ Ngoại giao và các nhà lãnh đạo thiết lập “vị thế Thụy Sĩ ở Đông Nam Á”. Chúng ta là quốc gia nhỏ, chúng ta sẽ đứng cân bằng trong mọi mỗi mâu thuẫn quyền lợi, các xung đột và đặc biệt với vị thế trung lập đó, chúng ta sẽ thu hút, tiếp thu công nghệ của bất cứ phía nào trên thế giới để tạo ra vị thế tương lai của đất nước” - ông Trương Gia Bình nói.