“Hời quá” – cũng phải cẩn trọng
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, vụ việc container hạt điều của Việt Nam bị mắc tại Italia có rất nhiều dấu hiệu lừa đảo. Ông cũng cảnh báo thông qua vụ việc này, các doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch thương mại quốc tế cần hết sức thận trọng tránh đi vào “vết xe đổ”.
Cụ thể, khi nhận được các thông tin mang tính đột biến các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng. Ví dụ, Italia trước đây vốn nhập khẩu hạt điều rất ít từ Việt Nam. Thế nhưng, khi người môi giới đặt vấn đề mua với số lượng lớn hạt điều rõ ràng là thông tin bất thường. Nếu chú ý kiểm tra thông tin này, doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro.
Các doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý kiểm tra địa chỉ của đơn vị mua hàng. Trong vụ việc các container hạt điều của Việt Nam xuất khẩu sang Italia có nhiều địa chỉ là không có thật. Như vậy khi xảy ra sự cố chúng ta rất khó truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.
Hơn nữa trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp tuyệt đối thận trọng trong việc cung cấp mã code bill (mã vận đơn). Đối với vụ việc xuất khẩu hạt điều sang Italia vừa qua, chỉ sau vài ngày, người môi giới đã giục doanh nghiệp cung cấp mã code. Người môi giới còn thông tin rằng việc cung cấp này giúp cho việc thanh toán được nhanh hơn. Hàng tới sớm thì nhận tiền sớm. Đây là cách thức mà các đối tượng lừa đảo rất hay dùng. Do đó, các doanh nghiệp cần cần thận.
Không chủ quan với lỗi “truyền thống”
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ), (nơi đặt địa chỉ công ty môi giới) cho biết, theo giải trình của đại diện Công ty Kim Hạnh Việt (đơn vị môi giới), cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 100 container hạt điều đi Italia thì có 36 container bị mất bộ chứng từ gốc có khả năng bị lừa đảo. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, đại diện Công ty Kim Hạnh Việt cũng khẳng định “không biết công ty mua hàng mà chỉ làm việc qua một người môi giới khác tại Italia”.
Ông Quyền cũng cho biết, khi giải quyết vụ việc bản thân ông thấy rất bất ngờ, không hiểu vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại có thể bị lừa bởi các lỗi “truyền thống” đến như vậy?
Bộ hợp đồng của nhà môi giới với các doanh nghiệp được soạn rất ẩu, nhiều câu văn ngô nghê, sai lỗi diễn đạt. Trong khi đó, mặc dù ký với nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng đều chung một mẫu hợp đồng.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh từ vụ việc này, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng trong việc giao dịch quốc tế. Đặc biệt khi tìm hiểu đối tác, người môi giới cần quan tâm chiều sâu thay vì vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Trong việc ký kết hợp đồng cần chú ý tới con số. Nếu con số quá tròn trĩnh hoặc lớn một cách bất thường rất có thể là dấu hiệu của sự lừa đảo.
Còn ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ thương mại tại Italia, người trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đòi lại gần trăm container điều thời gian qua cho biết: "Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động tự xác minh đối tác, kiểm tra địa chỉ công ty đối tác qua Google Maps, gọi video để kiểm tra nhà máy, xưởng của đối tác, nếu không tin cậy thì không xuất hàng".
Kể về vụ đấu tranh để đòi lại các container hạt điều, trị giá hàng chục triệu USD, ông Thanh cho hay hầu hết đối tác nhập khẩu của 5 doanh nghiệp trong nước là những công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1-2 người làm việc. Có công ty ở giữa cánh đồng, không hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Thanh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước khi giao dịch quốc tế có thể mua báo cáo tài chính của công ty đối tác để kiểm tra năng lực. Hơn nữa, các doanh nghiệp có thể nhờ tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước nếu cần. Điều quan trọng nữa là khi ký kết hợp đồng cần làm rõ điều khoản thanh toán phù hợp năng lực doanh nghiệp.