Xuất khẩu lao động ở Thanh Hoá: Ma trận giấy phép con

Xuân Hùng |

Theo quy định, bất cứ doanh nghiệp (DN) nào đầy đủ chức năng, được Bộ LĐTBXH cấp phép đều được tuyển người đi lao động ở nước ngoài, đặc biệt các nước UAE và Saudi Arabia (A rập Xê út). Vậy nhưng nhiều DN đến Thanh Hoá lại đang phải kêu trời vì ma trận các loại “giấy phép” con.

Quy trình riêng

Thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Minh - TGĐ Cty CP dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hoá (Lessco) - phải chạy đôn chạy đáo để tuyển người cho kịp các hợp đồng với đối tác phía Các tiểu Vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Vấn đề không phải thiếu nhân lực hay người lao động không có nhu cầu mà lại vướng bởi chính các loại văn bản kiểu một dạng “giấy phép con” từ phía chính quyền.

Theo quy định, bất kỳ DN nào có đủ chức năng, giấy phép được thẩm định và cấp bởi Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH đều có quyền về các địa phương tuyên truyền, tuyển dụng lao động theo đúng quy định, đúng luật. DN chỉ cần thông báo cho Sở LĐTBXH và chính quyền. Hằng quý, năm có báo cáo theo quy định.

Vậy nhưng ở Thanh Hoá, lâu nay, việc này có một “quy trình” rất riêng, không được quy định bởi bất kỳ điều luật hay văn bản quy phạm pháp luật nào. Theo đó, DN muốn thực hiện tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi XKLĐ ở huyện nào phải gửi văn bản “kính đề nghị” Sở LĐTBXH “tạo điều kiện”, “cho phép” DN được thực hiện việc trên. Sau khi “xem xét”, Sở LĐTBXH mới có công văn gửi các huyện “đề nghị” lãnh đạo huyện phối hợp với DN để thực hiện tuyển lao động. Sau khi có công văn “cho phép” này của Sở LĐTBXH, lãnh đạo huyện mới tiếp DN và “xem xét” các hồ sơ, thủ tục. Nếu đồng ý, huyện sẽ ra một văn bản gửi UBND xã “yêu cầu” chủ tịch UBND xã, thị trấn phối hợp DN thực hiện.

Chỉ khi có “bùa hộ mệnh” là công văn của huyện, DN mới có thể xuống xã triển khai, nếu không sẽ gặp phải sự phản ứng, bất hợp tác của xã. Ngay cả cấp xã, khi có được công văn “cho phép” của huyện, xã lại ra công văn gửi tới các thôn để “cho phép” hay “không cho phép” DN này hay DN kia thực hiện tuyển lao động.

Trả lời PV Lao Động về việc này, ông Nguyễn Văn Dũng - GĐ Sở LĐTBXH Thanh Hoá - khẳng định: “Làm gì có việc đó”. Còn ông Lê Văn Tùng - Phó GĐ sở - thì cho rằng, không có chuyện sở cho phép hay không cho phép DN về huyện này hay huyện kia. “Đó là vì DN gửi công văn đề nghị thì chúng tôi có công văn trả lời”. Tuy nhiên, một thực tế là, nếu không có “công văn trả lời” của sở thì DN không thể làm việc với cấp huyện. Mà không có công văn chỉ đạo của huyện thì DN không thể xuống xã…

Tình trạng này đã bị các DN kêu tại Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 8.3. Ngay sau đó, ngày 30.3, ông Lê Văn Tùng - PGĐ Sở LĐTBXH Thanh Hoá - đã ký công văn yêu cầu các huyện, thị có “trách nhiệm” tạo điều kiện thuận lợi và “chỉ đạo” UBND các xã phối hợp với DN thực hiện.

Ông Lò Đình Chiến và anh Lò Văn Đoàn (làng Cống, xã Thanh Hoà, Như Xuân) đang rất lo lắng cho con dâu, vợ là Lương Thị Duyên đi Saudi Arabia qua Cty Vĩnh Cát. Ảnh: X.H

“Vận động” đến mức xã cũng ra giấy phép

Ngày 20.7, UBND xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) ra thông báo số 15/TB-UBND về việc “không tiếp nhận những Cty vào địa bàn xã tư vấn XKLĐ không có giấy giới thiệu”. Cụm từ “không có giấy giới thiệu” ở đây không phải là giấy phép theo quy định của Cục QLLĐ ngoài nước, Bộ LĐTBXH mà là “giấy giới thiệu” của huyện. Vì “theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Như Xuân, những Cty vào tư vấn tuyển lao động đi xuất khẩu phải được sự đồng ý và có giấy giới thiệu của UBND huyện mới đủ tư cách pháp nhân tư vấn tuyển lao động” và “nếu Cty nào vào không có giấy giới thiệu của UBND huyện thì trưởng thôn và chi hội phụ nữ các thôn bản tạm ngừng không cho tư vấn, không cho phép tuyển lao động tại địa bàn 12 thôn bản trong xã”.

Theo ông Hoàng Văn Khuyên - Phó ban Chính sách xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) - trên địa bàn xã lâu nay chỉ có Cty Vĩnh Cát được phép tuyển dụng người đi XKLĐ. Với mỗi LĐXK, Cty này trả cho xã 3 triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã có 21 người đi, 4 người đang học. “Số tiền Cty Vĩnh Cát trả cho xã được hạch toán vào nguồn thu nào?” - PV hỏi. “Dùng bồi dưỡng cho ban chỉ đạo XKLĐ của xã thôi” - ông Khuyên nói.

Có thể vì sự “chơi đẹp” của Cty Vĩnh Cát mà trong thông báo gửi các thôn, UBND xã Thanh Quân đã chỉ đạo rõ: “Hiện địa bàn xã Thanh Quân chỉ có Cty Vĩnh Cát được phép tư vấn XKLĐ đi A rập Xê út”. Bộ LĐTBXH chưa bao giờ có quy định cấp xã ra “giấy phép” như vậy. Hoá ra, phép vua cũng thua lệ làng. Được biết, người tư vấn của Cty Vĩnh Cát trên địa bàn xã là cô Vi Thị Bảy (con gái ông Vi Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Thanh Quân).

Muôn kiểu hỗ trợ NLĐ và “chơi đểu” nhau

Hiện ở Thanh Hoá, các DN có chức năng XKLĐ đều tập trung thị trường UAE và Saudi Arabia. Lao động được tuyển chủ yếu làm giúp việc gia đình. Với thu nhập khoảng 1.300 - 1.500 SR (tương đương 9 - 10 triệu đồng/tháng), đây là hướng thoát nghèo tốt cho nhiều gia đình. Để được XKLĐ đi các quốc gia này, người dân chỉ phải đóng 100.000 đồng tiền quỹ hỗ trợ XKLĐ, không phải đóng bất kỳ khoản nào khác.

Ngoài ra, NLĐ còn được nhận một khoản tiền hỗ trợ từ phía DN XKLĐ. Mỗi DN, tuỳ “cách chơi” của mình mà NLĐ được nhận số tiền hỗ trợ này khác nhau. Nếu Cty Lessco trả lao động đi XKLĐ các thị trường này khoảng 40 triệu đồng thì Cty Vĩnh Cát tuỳ tình hình mà chi. Chẳng hạn, trên địa bàn xã Thanh Quân, đơn vị này chi hỗ trợ 9 - 10 triệu đồng/người, ở xã Thanh Hoà đơn vị này chi 15 triệu đồng/người. Với những ai có chút hiểu biết và… ngang ngang một chút, đi đòi nhiều thì Cty này nâng lên mức 25 triệu.

Khi PV đến làm việc, ông Lê Đình Toàn - GĐ Cty CP đầu tư Vĩnh Cát - cho rằng, ông Minh - GĐ Cty Lessco - đang “chơi đểu” ông vì cho người đi thu thập thông tin chi trả hỗ trợ NLĐ của Cty ông rồi tung tin khiến NLĐ đến Cty ông đòi hỏi. Ngược lại, ông Nguyễn Văn Minh - GĐ Cty Lessco - lại cho rằng, vừa rồi đại lý tư vấn, tuyển dụng lao động của Cty ông tại xã Thanh Hoà (huyện Như Xuân) bị đoàn liên ngành kiểm tra là do phía ông Toàn “chơi đểu”.

Xuân Hùng
TIN LIÊN QUAN

Thanh Thúy và hình mẫu cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp

HOÀI VIỆT |

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu chuyên môn và tính cách cá nhân.

Dự báo vùng ảnh hưởng của áp thấp gần Biển Đông

Khánh Minh |

Ngày 7.10, áp thấp gần Biển Đông được dự báo di chuyển theo hướng tây, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.

Đồng đội cũ kể về "Anh trai vượt ngàn chông gai" Hồng Sơn

MI LAN - HOÀNG HUÊ |

CEO Triệu Quang Hà chia sẻ, đồng đội cũ của mình là Nguyễn Hồng Sơn đã thay đổi hoàn toàn khi tham dự show "Anh trai vượt ngàn chông gai".

Bình Định yêu cầu đảm bảo chất lượng dự án đường trọng điểm

Hoài Phương |

Đối với dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của tỉnh, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu phải đảm bảo chất lượng công trình, nhất là khi thi công vào mùa mưa.

Công nhân tăng đột biến, Quảng Ngãi vẫn không có nhà ở xã hội

Ngọc Viên |

Nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân ở Quảng Ngãi ngày càng cao khi số lượng lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp liên tục tăng. Tuy nhiên, địa phương này hiện vẫn “trắng” nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp.

Nỗ lực hút khách quốc tế đến TPHCM

Thanh Chân |

9 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến TPHCM đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024.

Người trẻ dậy từ 4 giờ sáng, bắt trend đón mùa thu Hà Nội

Hạ Nguyễn |

Để bắt trend dậy sớm đón thu, nhiều bạn trẻ đã không ngại thức dậy từ 4 giờ để chuẩn bị đi uống cafe, ăn xôi cốm, chụp ảnh mùa thu Hà Nội.