Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục bùng phát
Trao đổi với PV Lao Động chiều 28.11, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) thông tin, hiện có 901 xã của 43 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Hiện đã có trên 231.000 con lợn bị buộc phải tiêu hủy với trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng trên 10.000 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tại tỉnh Thanh Hóa, dịch đã bùng phát trở lại từ cuối tháng 9.2021 đến nay, lây lan tại 37 xã của 8 huyện, người chăn nuôi buộc phải tiêu hủy hơn 1,900 con lợn, tương đương trên 122,000 kg.
Lý giải về nguyên nhân dịch bùng phát trở lại, ông Tống Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa - cho hay: Do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quen sử dụng thức ăn cho lợn từ nguồn thức ăn thu gom dư thừa từ các hàng quán. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng nước ao, hồ chưa qua sử dụng để tắm cho lợn, khiến virus gây dịch tả lợn Châu Phi phát tán và lây lan.
Nghệ An cũng là tỉnh đang bị dịch tả lợn Châu Phi (ASF) lây lan tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, đã có 169 ổ dịch xuất hiện tại 19 huyện, thị chưa qua 21 ngày. Trong đó, Diễn Châu là một trong những huyện bị ảnh hưởng khá nặng. Hiện tại, số lợn bị tiêu hủy do nhiễm virus ASF đã lên đến 1.101 con, tổng trọng lượng gần 68 tấn lợn hơi.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh - thông tin: Dịch ASF trên lợn cũng đã bùng phát trở lại, lây lan ra 18 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện của địa phương này. Hiện hay, Hà Tĩnh còn trên 25 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Tại các tỉnh phía Nam, dịch tả lợn Châu Phi cũng đang có dấu hiệu quay trở lại. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 86 ổ dịch xuất hiện tại 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, trên 1.836 con lợn bị chết và phải tiêu hủy, tổng trọng lượng lên tới trên 123.145kg...
Nhanh chóng kiểm soát để dịch không lan rộng
Theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát là rất cao, do virus gây bệnh ASF có khả năng tồn tại ngoài môi trường, dễ xâm nhập vào nguồn nước, thức ăn chăn nuôi… khiến nguy cơ lây lan cao. Trong khi đó, hiện nay vaccine phòng dịch ASF vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối, chưa có trên thị trường, nên biện pháp tốt nhất vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học.
Để ngăn chặn dịch ASF bùng phát mạnh, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch ASF trên diện rộng như: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, yêu cầu các địa phương phải tập trung khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, phải khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong việc phòng, chống bệnh ASF.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất để kiểm soát dịch ASF là vaccine. Về vấn đề này, chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Long cho hay: Hiện tại, Bộ NNPTNT đang đẩy mạnh các bước cuối cùng để sớm đưa vaccine phòng, chống dịch ASF ra thị trường.
“Hiện tại, đã xong bước kiểm nghiệm theo quy định; đã xong 1 lần khảo nghiệm tại Hà Nội cho kết quả tốt; đang tiến hành khảo nghiệm lần 2 tại phía Nam. Dự kết tháng 12.2021 kết thúc; sau đó sẽ hoàn thiện trình Hội đồng khoa học xét duyệt. Nếu mọi điều tốt đẹp thì trong Quý I/2022 sẽ xong”.
Về tình hình dịch bệnh ASF có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cuối năm, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Miền Bắc - Miền Trung dự báo: Giá thịt lợn có thể tăng trong dịp Tết, dịch tả lợn Châu Phi có thể khiến một số địa phương thiếu thịt lợn cục bộ.