Tác động xấu của COVID-19
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 24/2016 của Quốc hội đặt ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 với 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể thực hiện các mục tiêu này.
Sau gần 5 năm triển khai, báo cáo mới nhất về việc triển khai thực hiện kế hoạch vừa được Chính phủ công bố mới đây cho thấy, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 sẽ được hoàn thành và có khả năng hoàn thành. Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng về giảm quy mô nợ công, giảm quy mô nợ chính phủ, giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp, tăng năng suất các nhân tổ tổng hợp và tăng dư nợ thị trường trái phiếu hiện đều hoàn thành và vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019; quy mô nợ chính phủ giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016 và ước năm 2020 còn 34%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết; dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.
Tuy nhiên với các mục tiêu không thể hoàn thành theo như kế hoạch, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỉ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019. Song do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hai mục tiêu này có thể không hoàn thành trong năm 2020.
Bên cạnh đó, 2 mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm người đứng đầu đến các nguyên nhân khách quan như nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh (như phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, phần vốn nhà nước…) trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế quản lý DNNN chưa rõ ràng; khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược. Mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp mặc dù có khả năng không hoàn thành nhưng đến nay đạt được tiến bộ đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.
3 lĩnh vực trọng tâm chưa đạt mục tiêu
Đáng chú ý trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm gồm DNNN, đầu tư công và tổ chức tín dụng (TCTD) được các chuyên gia kinh tế đánh giá là những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, quyết định hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời cũng tác động mạnh đến việc hình thành môi trường cạnh tranh lành mạnh, tiền đề để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo TS Đặng Thị Hoài Thu - Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và các lĩnh vực và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế đặt mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến nay chưa đạt được do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chính vì vậy các mục tiêu này cần phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 bởi việc này sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường tài chính, lao động, thị trường khoa học công nghệ cũng như thị trường quyền sử dụng đất.
Thực tế theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối kinh tế vĩ mô và kết cấu nền kinh tế được củng cố vững chắc hơn, qua đó tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, giúp cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế, đồng thời tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Quá trình cơ cấu lại kinh tế cũng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, năng suất lao động xã hội, nâng dần tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế nhờ đó cũng chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên dù cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội xuống mức phù hợp, tăng tỉ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước từ 38,9% năm 2016 lên 46% năm 2019 cũng như việc cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh và thực chất hơn, mục tiêu cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Cụ thể tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực DNNN chậm được cải thiện. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và nhiều vướng mắc. Trong khi đó tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu, các TCTD yếu kém chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế.
Chính vì vậy, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn trước. Trong đó cần tiếp tục xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn.