Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT, trong số 13 tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng, có 11 tàu phải thay máy mới và 2 tàu phải sửa chữa. Hiện 7 tàu đã hoàn thiện, nghiệm thu bàn giao cho ngư dân đi khai thác đúng thời hạn.
Tuy nhiên, do vướng mắc một số khâu, đồng thời do công tác sơn sửa tàu gặp một số khó khăn vì thời tiết 2 tháng qua mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ. Đến nay, 6 tàu còn lại đang tiếp tục sửa chữa, lắp máy mới, dự kiến hoàn thành sau thời gian khoảng 1 tuần, đầu tháng 11 sẽ bàn giao để ngư dân đưa vào hoạt động.
Về vấn đề đền bù cho ngư dân bởi những thiệt hại do tàu bị neo bờ, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Cty Nam Triệu phải chịu toàn bộ chi phí trong việc thay mới máy thủy và sơn lại 11 tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân; thay mới trục cơ, sửa chữa các hư hỏng máy Dosan, sửa chữa, bảo dưỡng sơn lại 1 tàu và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.
Hiện tại, hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ, Sở NNPTNT và UBND tỉnh Bình Định đang thống kê, tính toán thiệt hại của ngư dân để phía đóng tàu đền bù do những ngày tàu phải nằm bờ.
Trước đó, Báo Lao Động đã thông tin, xung quanh việc để xảy ra tình trạng 18 tàu vỏ thép của ngư dân đóng mới theo Nghị Định 67/CP không đáp ứng điều kiện, bị hư hỏng, Bộ NNPTNT đã xử lý kỷ luật 4 cá nhân là ông Đào Hồng Đức-Giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Vũ Hà - Trưởng phòng đăng kiểm; ông Vũ Đình Thắng - Chánh Văn phòng Trung tâm, Tổ trưởng tổ đăng kiểm tàu cá số 2 tại nhà máy đóng tàu của Cty TNHH Đại Nguyên Dương; ông Nguyễn Quang Hòa - Phó trưởng phòng Kiểm định, Tổ trưởng tổ đăng kiểm tàu cá số 3 tại nhà máy đóng tàu của Cty TNHH MTV Nam Triệu. 2 trường hợp bị khiển trách là ông Vũ Thái Hệ - Phó Giám đốc Trung tâm và ông Trần Thế Anh, nhân viên Văn phòng Trung tâm.