Nỗi lòng "những người lính ngành xuất bản"
“Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” là một trong những nhiệm vụ không chỉ của Hội Xuất bản Việt Nam. Với vị trí của mình, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần lan tỏa trong cộng đồng, xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc. Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc, bằng nhiều hình thức nhằm góp phần phát triển thị trường sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đánh giá về văn hóa đọc, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, nói trong bài tham luận của mình rằng, sự phát triển của ngành xuất bản hiện nay là rất đáng mừng, đa dạng đề tài, phong phú nội dung, đáp ứng được nhu cầu đọc của xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, bên cạnh hoạt động xuất bản phát triển, có điều khiến những người làm trong lĩnh vực này vẫn đau đáu là việc đọc sách, là văn hóa đọc, là thị trường của người đọc. Đó là những điều khiến “những người lính của ngành xuất bản” còn canh cánh.
Theo ông Lê Hoàng, một nền văn hóa đọc phải dựa trên sự phát triển của 3 trụ cột, là sự ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lí, cơ quan quản lí và nhà nước; của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội, nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc chính là từ mỗi thành viên trong xã hội.
Chỉ số buồn về đọc sách
Ở đây, ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại. Thói quen đọc được hình thành từ tuổi thơ của mỗi người, góp phần hình thành thói quen đọc và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Cần đi sâu phân tích việc đọc sách của người dân Việt Nam.
Những vấn đề của văn hóa đọc hiện nay không chỉ đến bằng những cảm nhận về thói quen, suy nghĩ của giới trẻ, của sự phát triển công nghệ, mà còn qua những thống kê. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2022, tỉ lệ xuất bản phẩm hay thị trường tiêu thụ sách đều có tăng trưởng, tuy nhiên, nếu phân tích cơ cấu thì sách giáo khoa và các loại sách liên quan đến giáo dục chiếm tỉ lệ 52,74%.
Trong khi đó, các loại sách góp phần phát triển văn hóa đọc là 48% - tỉ lệ gần 3 đầu sách mỗi người trong 1 năm là quá thấp. Số tiền trung bình mỗi người dân chi ra để mua sách trong năm chỉ khoảng chưa đến 2 USD (gần 50.000 đồng).
Tất nhiên, cũng không khó để tìm các thống kê liên quan đến việc đọc sách của người Việt, với những chỉ số rất đáng buồn - ví như 80% ở độ tuổi 20 - 30 không đọc sách trong suốt 1 năm.
Chưa hết, doanh thu của toàn ngành xuất bản trong năm 2022 là gần 4.000 tỉ, thậm chí chưa bằng một chuỗi hiệu thuốc Long Châu. Xa hơn, từ năm 2017, doanh thu bán sách ở Malaysia gấp 4 lần Việt Nam, Thái Lan gấp 5 lần, Hàn Quốc gấp 52 lần. Nên nhớ, dân số các quốc gia này đều ít hơn Việt Nam. Lí do cho điều đó là người dân nước họ có thói quen đọc sách tốt nên sức mua cao.
Các giải pháp
Theo ông Lê Hoàng, việc nâng cao sức đọc, phát triển văn hóa đọc trên cơ sở tác động hình thành thói quen đọc sách của cộng đồng. Do đó, các đề xuất được đưa ra bao gồm: “Thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam, bao gồm đại diện nhiều cơ quan quản lí, các chuyên gia, các tổ chức xã hội; Luật Xuất bản sửa đổi và bổ sung sắp tới cần bổ sung Điều khoản về Phát triển văn hóa đọc.
Với Hội Xuất bản Việt Nam, tổ chức nghiên cứu định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc.
Với ngành giáo dục, cần có chủ trương hình thành tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức; Với ngành văn hóa, bổ sung tiêu chí xây dựng tủ sách trong gia đình vào tiêu chí chung của Xây dựng gia đình văn hóa.
Với cộng đồng xã hội, các đơn vị quản lí nhà nước ngành xuất bản cần phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp để cùng tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác, giải thưởng sách...
Cũng với nội dung văn hóa đọc, tham luận của bà Nguyễn Kim Thoa - CEO của Tân Việt Books, tập trung sâu hơn vào việc phát triển văn hóa đọc từ mỗi gia đình. Những vấn đề cần giải quyết gồm: Thứ nhất, thay đổi nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc đọc sách cho con và dạy con đọc sách từ sớm. Hiện nay, hầu hết cha mẹ còn chưa ý thức được điều này và cho rằng, đọc sách là không cần thiết, không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
Thứ hai, để thay đổi nhận thức đó cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp bộ, ban, ngành trung ương, với chương trình mang tầm quốc gia về hoạt động, cần phát động và hành động mỗi nhà, mỗi doanh nghiệp một tủ sách.
Thứ ba, các cơ quan doanh nghiệp, các hội, đoàn thể cần có hoạt động đầu tư, ưu tiên cho hoạt động đọc, truyền bá và lan tỏa văn hóa đọc đến từng cán bộ, để văn hóa đọc thẩm thấu vào mỗi người, để từ đó, hành động đọc trong mỗi gia đình được hình thành và phát triển.
Phát triển văn hóa đọc là công cuộc lớn của quốc gia, cần phát triển từ bên trong mỗi gia đình để tạo nên gốc rễ cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển tương lai của đất nước.
Văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá
Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: Hội Xuất bản Việt Nam chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21.4 hằng năm và Giải thưởng Sách quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.
Tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như: Câu lạc bộ biên tập viên, câu lạc bộ những người làm sách trẻ, câu lạc bộ phát hành sách; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách tại địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế; chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.