Uống không đủ nước
Uống không đủ nước có thể làm đường huyết tăng cao. Nguyên nhân là do khi cơ thể không đủ nước, máu sẽ bị cô đặc lại, làm tăng tỉ lệ đường trong máu. Thêm vào đó, lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến mất nhiều nước hơn.
Đặc biệt, những người mắc tiểu đường cần chú ý lượng nước uống mỗi ngày. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi uống nước lọc, hãy thử thêm vài múi cam, quả mọng hoặc lá bạc hà.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đồng thời khiến đường huyết của bạn gặp vấn đề. Theo chuyên gia, thiếu ngủ là một dạng căng thẳng mãn tính của cơ thể. Mỗi khi cơ thể gặp áp lực, đường huyết sẽ tăng cao.
Để cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ của bạn, hãy cố gắng tạo thói quen ngủ nhất quán, nơi bạn đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Các chuyên gia khuyến nghị nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.
Uống quá nhiều cà phê
Cafein trong cà phê có thể ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, dẫn đến lượng đường trong máu thấp hoặc cao. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến ở những người đã mắc tiểu đường.
Nếu bạn thường xuyên bị thay đổi đường huyết và là người tiêu thụ nhiều đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà… hãy cân nhắc cắt giảm để xem liệu việc kiểm soát đường huyết của bạn có được cải thiện hay không.
Không bảo vệ cơ thể trước thời tiết khắc nghiệt
Thời tiết quá lạnh hay quá nóng có thể cản trở việc cơ thể kiểm soát insulin. Theo chuyên gia, ở một số người, đường huyết sẽ tăng cao trong những ngày nóng bức. Trong khi với số khác, đặc biệt với những người đang sử dụng insulin, lượng đường trong máu tăng khi trời lạnh.
Các chuyên gia khuyên rằng nên ở trong nhà hoặc bảo vệ cơ thể thật tốt khi ra ngoài trong những ngày thời tiết khắc nghiệt và theo dõi những thay đổi của cơ thể để tránh gặp nguy hiểm khi đường huyết thay đổi.