Hầu hết nhân viên vận hành không có chuyên môn về y tế
Tại buổi tập huấn, PGS-TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế cho biết, vừa qua đơn vị này đã hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 3 mẫu cho tất cả các bệnh viện có đơn nguyên chạy thận trên toàn quốc. Kết quả xét nghiệm của hơn 70 bệnh viện cho thấy, tất cả các đơn vị chạy thận nhân tạo đều chưa có quy trình kiểm soát chất lượng nước, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về tần suất xét nghiệm.
Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải, với năng lực và chức năng chuyên môn, Viện đã được Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an trưng cầu làm đơn vị giám định chất lượng nước RO của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Trong quá trình phối hợp với các cơ quan Công an và các đợt lấy mẫu, kiểm tra nước RO dùng trong chạy thận các bệnh viện khác nhau, Viện nhận thấy hệ thống lọc nước RO là hệ thống mở với nhiều công đoạn khác nhau ở mỗi công đoạn đều có các nguy cơ gây ô nhiễm nước do đó bệnh viện rất khó duy trì chất lượng nước đảm bảo liên tục trong suốt thời gian lọc thận nhân tạo.
Các bệnh viện cũng chưa xét nghiệm giám sát chất lượng nước định kỳ và chưa xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo khuyến cáo. Hầu hết các bệnh viện sử dụng dịch vụ thuê ngoài vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cung cấp nước RO nhưng các nhân viên vận hành không có chuyên môn về y tế, không được tập huấn kiểm soát nguy cơ do đó chất lượng nước sau khi bảo dưỡng, bảo trì không đảm bảo. Một trong những nguyên nhân các bệnh viện chưa thực hiện được do chi phí cho chạy thận nhân tạo hiện rất thấp, chưa đủ bù đắp chi phí vận hành đầy đủ hệ thống.
Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải, nước RO dùng cho lọc thận nhân tạo không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí gây tử vong. “Chúng tôi đã đi thăm hệ thống lọc nước RO chạy thận của rất nhiều bệnh viện trong nước và cả bệnh viện hàng đầu ở Singapore. Từ đó nhận thấy, hệ thống sản xuất nước RO ở hầu hết bệnh viện nước ta chưa đảm bảo hoặc chưa ổn định, hệ quả là có một tỉ lệ lớn bị nhiễm khuẩn nước RO” - ông Hải nói.
70% nước đầu vào chưa đạt chuẩn
Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho biết: Nếu như nguồn nước đầu vào để sản xuất nước RO chạy thận tại nước ngoài phải đạt tiêu chuẩn là “nước uống được” thì ở nước ta đa phần chỉ là nước sạch sinh hoạt, 70% nước đầu vào chưa đạt tiêu chuẩn.
“Chúng tôi đã khuyến cáo các bệnh viện phải thường xuyên giám sát chất lượng nước RO, xét nghiệm chất lượng nước định kỳ, thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người bệnh nhưng nhiều bệnh viện chưa làm được vì lý do… không có tiền làm xét nghiệm. Việc bảo hành, bảo trì hệ thống sản xuất nước RO chạy thận cũng phải được chú trọng và quan tâm đúng mức hơn vì nó liên quan đến tính mạng người bệnh” - ông Hải nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải, để đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo, Viện đã đề xuất với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về việc xây dựng “Hướng dẫn kiểm soát chất lượng nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo” để giảm thiểu các nguy cơ và đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt thực hiện.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tham khảo quy định của các nước về kiểm soát hệ thống nước RO, thăm và tham khảo hệ thống xử lý nước RO của các bệnh viện Singapore và xây dựng chương trình tập huấn với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành về hệ thống lọc nước RO và chạy thận nhân tạo.
Mục đích của việc tập huấn lần này là nhằm giúp các học viên hiểu được các tai biến thường gặp trong điều trị thận nhân tạo, các tiêu chuẩn, quy định đối với hệ thống và chất lượng nước sử dụng trong chạy thận nhân tạo trên thế giới và Việt Nam. Đồng thời, lớp tập huấn cũng thảo luận góp ý cho dự thảo “Hướng dẫn giám sát chất lượng nước RO dùng cho lọc thận nhân tạo”.