Nhức nhối
Trước thực trạng trên, tại buổi Truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của cán bộ y tế” do Báo Lao Động điện tử (Laodong.vn) phối hợp với Công đoàn Y tế VN tổ chức ngày 27.9, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp đối phó với vấn nạn an ninh bệnh viện.
BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN - bức xúc, cán bộ y tế bị đánh đập, hành hung đã diễn ra từ nhiều năm nay, mặc dù đã có những quy định xử phạt song vẫn chưa hiệu quả. Đã đến lúc chúng ta cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt thực trạng đau
lòng này.
Đại diện cho Bộ Y tế, ThS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - cho rằng, bạo hành nhân viên y tế, nguyên nhân hết sức quan trọng là nhận thức và văn hóa ứng xử của cả nhân viên y tế và người nhà là không đẹp. Chúng ta chưa xem xét sự việc một cách khách quan đã có những hành xử chưa đẹp. Cơ sở vật chất của các cơ sở y tế vẫn còn khó khăn, trong khi đó mong muốn của người bệnh là được điều trị nhanh hơn. Đối tượng phục vụ của nhân viên y tế hết sức đa dạng. Nhân viên y tế phải làm quá sức, thêm giờ, nên hết sức mệt mỏi. Khi xảy ra những vụ việc như vậy, nhân viên y tế là người yếu thế, họ chẳng có gì trong tay.
Bằng chứng của thực trạng trên là theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận có ít nhất 20 vụ việc điển hình về mất an ninh trật tự ở bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở tuyến tỉnh chiếm 60%, tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ chiếm 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% các vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi các thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%). 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Nhân viên y tế bao giờ an tâm chữa bệnh?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến dù không tham dự được buổi truyền hình nhưng đã gửi gắm mong muốn: “Tôi rất mong muốn pháp luật, các cơ quan tố tụng phải xử lý thật nghiêm, thật mạnh, áp trần xử phạt ở mức cao nhất có thể đối với kẻ hành hung, tấn công cán bộ y tế. Không thể để tình trạng hành hung, thậm chí là giết hại nhân viên y tế mà chỉ chịu mức phạt là vài năm tù được. Luật phải làm thật nghiêm và coi đây là trọng tội”.
Trước khi có sự bảo vệ của hệ thống chính trị, TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai - cho rằng: Trước những nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, nhân viên y tế, việc tránh đi là hành xử khôn ngoan. Bởi lẽ thời điểm đó, cán bộ, nhân viên y tế không có các biện pháp bảo vệ, chính vì vậy, họ phải tự bảo vệ mình, điều này không vi phạm pháp luật. Vấn đề bạo hành ở bệnh viện ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc bệnh nhân của các cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện.
Các đại biểu tham dự buổi truyền hình đều cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có những chế tài đủ sức để răn đe. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, để tạo ra dư luận lên án mạnh mẽ hành vi chưa đúng. Nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, thay đổi một chiều hành vi của cán bộ y tế, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp lý đầy đủ để phòng chống bạo hành y tế, điều này cũng vẫn xảy ra. Nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Buổi Truyền hình trực tuyến "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của cán bộ y tế" đã thu hút được rất nhiều bạn đọc quan tâm, đặc biệt là những người đang làm việc cho ngành y.
Báo Lao động xin trân trọng cám ơn Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã đồng hành cùng chương trình.