Trái cây đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thường ngày của cơ thể. Theo chuyên gia dinh dưỡng Barbara Martin Goncalves, một người khỏe mạnh chỉ nên ăn từ ba đến bốn phần trái cây mỗi ngày và mỗi phần tương đương với khoảng 200 gram trái cây, tương đương với một quả táo, nửa quả chuối hoặc từ mười lăm đến hai mươi trái nho.
Con người cần phải tiêu thụ trái cây một cách hợp lý bởi vì trong trái cây có chứa đường fructose. Do đó, tiêu thụ quá nhiều trái cây mỗi ngày có thể làm tăng lượng đường trong máu. Trên thực tế, một quả chuối có thể cung cấp 15 gram đường và WHO khuyến cáo rằng, một người bình thường chỉ nên nạp không quá 50 gram đường mỗi ngày.
Chuyên gia Barbara Martin Goncalves cũng giải thích thêm rằng, nếu một người bình thường ăn năm phần trái cây mỗi ngày, về lâu về dài, người đó có khả năng cao sẽ mắc bệnh tiểu đường ngay cả khi người đó không sử dụng các sản phẩm có chứa nhiều đường khác. Ngoài ra, chuyên gia còn khuyên chúng ta ăn trái cây chung với một số loại hạt nhằm bổ sung chất béo để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Hơn nữa, ăn quá nhiều trái cây mỗi ngày còn có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi hoặc rối loạn tiêu hóa. Thêm vào đó, một số loại trái cây còn có chất xơ khó tiêu và có thể làm hệ đường ruột của chúng ta khó chịu.
Tốt nhất là chúng ta nên ăn trái cây theo mùa. Vào mùa đông, chúng ta nên tập trung ăn những loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt hoặc bưởi. Vào mùa hè, cơ thể con người rất cần được bổ sung vitamin A và vitamin E. Do đó, chúng ta nên ưu tiên ăn những loại trái cây có màu đỏ như dưa hấu.