Reuters đưa tin, sao Mộc là hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời, có đường kính khoảng 143.000km. Với kích thước này, sao Mộc có thể chứa tới 1.000 hành tinh như Trái đất nằm gọn trong lòng nó.
Sao Mộc còn được biết đến là một hành tinh khí khổng lồ, cấu tạo chủ yếu từ khí hydro và heli, cùng một số loại khí khác. Các đường sọc và một vài cơn bão lốc xoáy được gọi là Vết Đỏ Lớn trên sao Mộc tạo ra một bầu khí quyển đầy màu sắc trên hành tinh thứ 5 tính từ Mặt trời này.
Vết Đỏ Lớn là một cơn bão khổng lồ, rộng khoảng 16.000km đang khuấy động ở bán cầu nam của sao Mộc, tạo nên những đám mây màu đỏ thẫm luôn xoay ngược theo chiều kim đồng hồ với tốc độ cao. Đây được coi là một trong những kỳ quan của Hệ Mặt trời và đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, nhưng các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa hiểu rõ về những gì ẩn sâu bên dưới bề mặt của nó.
Tuy nhiên, theo kết quả 2 nghiên cứu mới nhất về sao Mộc công bố trên tạp chí Khoa học hôm 28.10, dựa trên các phép đo vi sóng và trọng lực do tàu thám hiểm Juno của NASA thu được, các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam ở Texas, Mỹ đã phát hiện, cơn bão xoáy Vết Đỏ Lớn trải dài xuống độ sâu từ 350 đến 500km bên dưới các đỉnh đám mây của Sao Mộc.
Nghiên cứu viên chính của sứ mệnh Juno tại Viện nghiên cứu Tây Nam Scott Bolton đặt vấn đề: ''Từ quan điểm khoa học, thật khó hiểu, làm thế nào mà cơn bão Vết Đỏ Lớn có thể tồn tại lâu và có quy mô lớn đến như vậy?''.
Tác giả chính của nghiên cứu thứ 2, Marzia Parisi, nhà khoa học nghiên cứu sứ mệnh Juno thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở California, cho biết thêm: “Cơn bão đủ rộng để nuốt chửng Trái đất''.
Thay vì bị giới hạn ở phần trên cùng của bầu khí quyển Sao Mộc, phần gốc rễ của Vết đỏ Lớn lao thẳng xuống các vùng xa hơn - nơi nước ngưng tụ và hình thành mây - và sâu tận nơi Mặt trời không thể chiếu đến.
Dữ liệu của tàu Juno trước đây cho thấy các luồng phản lực trong bầu khí quyển của Sao Mộc có thể xuống sâu hơn tới độ sâu khoảng 3.200km.
Tác giả Bolton cho biết, các giả định dựa trên cách thức hoạt động của bầu khí quyển Trái đất, cũng như các mô hình được tạo ra trong vài thập kỷ qua, đã tạo ra ấn tượng rằng Vết đỏ Lớn chỉ là một cơn bão tương đối nông.
Nhưng, sao Mộc và Trái đất là 2 thế giới hoàn toàn khác nhau, không chỉ về kích thước. Trái đất là một nơi nhiều đất đá trong khi sao Mộc thiếu bề mặt rắn mặc dù nó có thể có lõi rắn bên trong.
Tàu vũ trụ Juno đã quay quanh sao Mộc từ năm 2016, thu thập các thông tin về bầu khí quyển, cấu trúc bên trong, từ trường bên trong... của hành tinh này. Juno cũng bay xung quanh các mặt trăng lớn Europa và Io của Sao Mộc và khám phá các vành đai nhỏ xung quanh hành tinh này.
Vết Đỏ Lớn đã phát triển về hình dạng theo thời gian và có dấu hiệu cho thấy nó có thể đang bị thu nhỏ về kích thước.
"Đó là cơn bão lớn nhất trong toàn bộ Hệ Mặt trời và không có cái thứ 2'' - nhà khoa học Bolton nói, đồng thời cho biết, các phát hiện mới giúp mang lại hiểu biết sâu rộng hơn về bầu khí quyển kì diệu của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời, trên hành trình con người chinh phục vũ trụ.