Các chị em có những lúc lên đường “không kèn, không trống”, tập huấn thì thiếu thốn và thậm chí là thiếu cả thuốc thang lẫn các điều kiện chăm sóc trong đó chế độ lương bổng, thế nhưng bóng đá nam luôn chạy theo sau nữ.
Vì đâu bóng đá nam càng đầu tư càng gây thất vọng nhiều, còn bóng đá nữ thì luôn vượt khó trong điều kiện kém cỏi nhưng thành tích thì cao nhất?
Nếu bóng đá nam được chiều chuộng đến độ hơi một tí là được “khóc mướn” hoặc vì được quan tâm quá mà đòi hỏi và “lầy” thì bóng đá nữ luôn xác định mình phải nỗ lực bằng tất cả những gì mình có thể có.
Hay xem các chị em đá bóng tâm sự như tuyển thủ Thùy Trang mong một chiếc HCV để có tiền giúp mẹ chữa bệnh ung thư hiểm nghèo, hay câu chuyện các nữ tuyển thủ với xe bánh mì để mưu sinh, họ không thể sống bằng nghề của mình nhưng xem đó là một cơ hội.
Họ 1 năm chỉ có mười mấy trận ở giải quốc gia và lương bèo bọt, nhưng xác định đã lên ĐTQG là hết lòng, tận hiến...
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là khi điều kiện được đầu tư tốt thì nhiều khi lại bị lạm dụng để làm những việc khác như nâng giá trị ảo lên hoặc dựa vào đấy để đòi hỏi, điều rất hay thấy ở bóng đá nam nhưng tuyệt đối chưa thấy ở bóng đá nữ.
Bóng đá nam cầu thủ hay bị các CLB làm hư với kiểu phá CLB này để được đi rồi về với CLB khác, còn bóng đá nữ thì các chị em luôn ý thức với nghề và ở đâu cũng đá sống chết để thành công rồi nhận được chút phần thưởng xứng đáng.
Đó cũng là lý do ở đội tuyển các chị em dù có bất đồng hay gặp vấn đề này kia nhưng đã vào sân là đá hết mình, còn ở bóng đá nam thì...
Vì thế mà dù thầy giỏi cỡ nào, đầu tư nhiều bao nhiêu nhưng chưa làm các cầu thủ nam ý thức và “ngoan” được như cầu thủ nữ thì rất khó để đòi hỏi có thành tích.