Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, với nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong 2,5 năm vừa qua TPHCM vẫn giữ vững được vị trí là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, giữ vững trật tự xã hội… của cả nước, mức tăng năng suất bằng 2,7 lần bình quân cả nước.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm như quy mô xuất khẩu chiếm 16,8%, công nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng khi tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 15,7% cả nước.
Về 7 chương trình đột phá, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không thay đổi cách làm, không đột phá sáng tạo thì sẽ không thể nào làm được.
Trong đó, về chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, hiện đất dành cho giao thông chỉ đạt 8,85% (mục tiêu 12%), nếu không làm sớm thì về sau sẽ không có đất làm giao thông. Khó nhất là vận tải hành khách công cộng, mục tiêu là 15% nhưng chỉ đạt 9,5%, đây là điểm nghẽn. Tổng vốn cần cho giao thông là 156 nghìn tỷ đồng, ngân sách chỉ cân đối 35%, ODA 14,5%, Trung ương 23%, phần huy động hợp tác công tư chỉ chiếm 1,3%... nên cần phải nâng cao.
Chương trình giảm ngập nước có một số kết quả đáng trân trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm lo lắng là hệ thống thoát nước bị tắc do xả rác và chiếm dụng. Điều này nếu chỉ dùng nguồn lực nhà nước thì không thể nào giải quyết được. Vấn đề là phải phân công giám sát, vận động người dân vì thành phố (TP) và vì chính mình, tìm mọi cách xã hội hóa nguồn vốn trong các chương trình chống ngập.
Chương trình chống ô nhiễm chỉ có 4/16 chỉ tiêu đạt. Chương trình chỉnh trang đô thị, giải tỏa 21 nghìn hộ sống trên và ven kênh rạch, Bí thư Thành ủy cho rằng nhiệm kỳ này không thể làm nổi.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế của TP với phương châm xem nguồn lực, sáng tạo của người lao động, 10 triệu dân, 5 triệu lao động là quan trọng nhất. Phải xác định các đầu việc cần thay đổi, mỗi đảng viên phải tiên phong. Đẩy mạnh thi đua sáng tạo bởi có Nghị quyết 54 nhưng không sáng tạo thì cũng không thành công.
Thứ hai là tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54, trong đó có thêm 2 chuyên đề là đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư và kết nối doanh nghiệp khoa học với quản lý Nhà nước để phát huy vai trò của khoa học. Thứ ba là phải có lộ trình sử dụng từ nguồn đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp 26 ngàn hecta (trị giá 1,5 triệu tỉ đồng).