Một trong số các nguyên nhân đã được chỉ ra: Năng suất lao động của Việt Nam thấp chưa hẳn vì trình độ mà là thái độ lao động. Đó là thái độ chỉ làm đúng phần việc được trả tiền chứ không gắn liền với tinh thần phục vụ, tạo ra những giá trị khác đối với người xung quanh, với doanh nghiệp và với xã hội.
Lực lượng có năng suất lao động thấp sẽ có nguy cơ bị đào thải đầu tiên trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà máy móc đang dần thay thế con người ở nhiều phần việc. Để “sống sót” thì phải thôi phàn nàn về đồng lương thấp và bỏ tư duy chấp nhận năng suất lao động thấp như một lẽ tất nhiên.
Thay vào đó, bắt đầu những việc nhỏ mỗi ngày như đi làm đúng giờ, dọn dẹp công sở, tắt bớt điện để tiết kiệm… chính là đã góp phần tự nâng cao năng suất.
Nếu như việc bồi đắp các kiến thức, tăng cường kỹ năng, cải thiện môi trường làm việc cần thời gian, nguồn vốn thì sự thay đổi thái độ lao động chỉ phụ thuộc vào sự tự ý thức, tự nỗ lực của mỗi người.
Thi đua yêu nước không phải là điều gì cao siêu, to tát, mà rất thiết thực với mỗi người. 70 năm trước, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải tư tưởng mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là công tác thi đua ái quốc phải gắn với công việc cụ thể và gắn với công việc hằng ngày của mỗi người.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài viết mới nhất có tiêu đề “Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước” cũng đã đặt vấn đề rất rõ ràng: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện tinh thần thi đua ái quốc là “Không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh”.
Ngay lúc này, thay đổi thái độ lao động, nâng cao tinh thần phục vụ, tăng năng suất lao động từ những việc hằng ngày để tạo ra những giá trị mang lại sự thịnh vượng cho đất nước chính là thực hiện một cách thiết thực, cụ thể Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ.
Phải phá được “điểm nghẽn” năng suất thấp để đất nước tiến lên.