Không đồng tình suy nghĩ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"
Sáng 28.10, phát biểu thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 - cho thấy rõ đây là "điểm nghẽn" mới trong tăng trưởng.
"Việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ.
Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", bà nói.
Theo bà Yên, từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cán bộ cấp cơ sở vẫn còn tâm lý "e ngại", "sợ sai", "đùn đẩy", "sợ trách nhiệm"… Như vậy khó có thể thúc đẩy xã hội phát triển.
"Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng "ai không làm thì đứng sang một bên". Tôi cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại.
Vì đứng đằng sau, chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", bà Yên nói, đồng thời cho rằng, Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể.
Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.
Xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"?
Về một số vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, tuy đã được phát hiện và ngăn chặn, nhưng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế.
"Tôi nhận thấy, nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường, hệ lụy từ những yếu kém này có thể còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu do chiến tranh, xung đột, do chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế", bà nói.
Về vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả", bà Yên cho hay cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Hai Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy tại sao xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TPHCM?
"Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", bà nói.
Thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề xuất cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%.
Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là "ngày ba bữa cơm", "mỗi năm 2 bộ quần áo" như thời bao cấp.
Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1.1.2023.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.