Báo chí là một trong các lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Hàng ngày các cơ quan báo chí thuộc các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử đăng phát hàng chục nghìn tin bài, sản phẩm báo chí để tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch, phản ánh kịp thời cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cũng như tham mưu, hiến kế các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại đầy đủ, toàn diện, minh bạch, đồng loạt, quy mô lớn như hiện nay. Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, chính xác, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người, thể hiện tinh thần dấn thân, quả cảm của các nhà báo, thể hiện ngời sáng tính chiến đấu và tính nhân văn tốt đẹp của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong một phát biểu cách đây vài tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cũng đã đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác báo chí, thông tin truyền thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.
Thực tế gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, báo chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Nhiều cơ quan báo chí đã bị giảm nguồn thu từ 30-50%, có cơ quan báo chí giảm đến 70%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia rất tích cực và hiệu quả vào cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19.
Nếu được hỗ trợ kịp thời thì các cơ quan báo chí sẽ giảm bớt được khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đời sống của những người làm báo sẽ được cải thiện.
Những cơ chế mà Chính phủ có thể hỗ trợ báo chí như: Miễn, giảm thuế, giãn thuế, không bị phạt khi chậm nộp thuế; cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm vật tư, trang thiết bị, phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.
Bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung cho Quỹ Bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Những người làm báo mong muốn đề xuất trên sớm được thực hiện bằng những chính sách, biện pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của COVID-19, do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nhà báo Việt Nam đã có kiến nghị về việc số lượng cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã tích cực tham gia trong tuyến đầu chống dịch. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung các cơ quan báo chí, nhà báo vào danh sách đối tượng được gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế.