Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 21.10, trả lời yêu cầu nêu quan điểm của Việt Nam về việc kênh CGTN của Trung Quốc ngày 19.10 công bố video các tiêm kích bom JH-7 của đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông gần đây, nhưng không nêu vị trí và thời gian cụ thể, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
''Việt Nam nhất quán chủ trương, mong muốn Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế''.
Theo các thông báo ngày 19 và 20.10 của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), nước này tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông từ ngày 20 đến 21.10 và cấm tàu, thuyền đi vào khu vực liên quan nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiến hành ít nhất 42 cuộc tập trận ở Biển Đông, theo các thông báo được đăng trên website của MSA. Trong số này có 16 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, diễn ra từ ngày 6-10.8.
''Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển'' - bà Lê Thị Thu Hằng trả lời khi được hỏi về việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông và liệu Việt Nam có ủng hộ Chính phủ Mỹ thông qua Dự luật này hay không.
Được biết, dự luật S.1657 được hai thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ben Cardin và hơn 10 nhà lập pháp Mỹ đệ trình từ năm 2019.
Ngày 20.10.2021, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez thông báo trên Twitter cho biết: "Tại cuộc làm việc hôm nay, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật S.1657. Dự luật sẽ được chuyển tiếp đến Thượng viện''.
Theo trang web của Quốc hội Mỹ, dự luật yêu cầu phong tỏa tài sản và từ chối thị thực đối với những công dân, thực thể Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển trên Biển Đông hoặc có hành động, chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài ra, dự luật yêu cầu cấm đưa ra các tài liệu cho rằng các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc Trung Quốc, và hạn chế hỗ trợ cho những quốc gia công nhận điều này. Bộ Quốc phòng, tàu chiến và máy bay Mỹ cũng không được có hành động công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.