Vụ phá hoại đường ống Nord Stream: Kịch bản được dự báo

Thanh Hà |

Cuộc điều tra của giới chức Thụy Điển kết luận, một tác nhân nhà nước có khả năng đứng sau vụ nổ hồi tháng 9 làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.

Một thợ lặn là đủ để đặt thiết bị nổ

Hơn 15 năm trước, khi đường ống dẫn khí Nord Stream giữa Nga và Đức mới chỉ là ý tưởng, nghiên cứu của chính phủ Thụy Điển đã cảnh báo về rủi ro khi vận hành cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở đáy Biển Baltic.

Nghiên cứu chỉ ra, đường ống dẫn khí đốt sẽ dễ bị tổn thương ngay cả theo những hình thức phá hoại đơn giản nhất và giám sát dưới nước gần như là không thể. Nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển năm 2007 còn đề cập tới kịch bản: “Một thợ lặn là đủ để đặt thiết bị nổ".

Hiện tại, các nhà điều tra Châu Âu đang gần như đối diện với kịch bản này. Cuộc điều tra của giới chức Thụy Điển kết luận, một tác nhân nhà nước có khả năng đứng sau vụ nổ hồi tháng 9 làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.

Các quan chức và chuyên gia cho rằng, chất nổ có thể được thả từ tàu hoặc - đúng như báo cáo của Thụy Điển cảnh báo - được tàu ngầm hoặc thợ lặn đặt xuống đáy biển.

Bí ẩn thời chiến

Cuộc tấn công đường ống Nord Stream được đánh giá là một bí ẩn thời chiến dẫn tới nhiều suy đoán về cách thức một con tàu có thể lẻn vào tuyến đường dẫn năng lượng trọng yếu, đặt bom và rời đi không vết tích trong thời đại vệ tinh giám sát hoạt động liên tục, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và khi Châu Âu đang xoay xở trong chiến sự Ukraina.

Biển Baltic, hóa ra là một hiện trường vụ án gần như lý tưởng, cây viết Rebecca R. Ruiz và Justin Scheck nhận định. Đáy biển đầy dây cáp viễn thông và đường ống nhưng không được giám sát chặt chẽ. Tàu thuyền đến và đi liên tục từ 9 quốc gia ven biển và các tàu có thể dễ dàng tránh bị phát hiện nhờ tắt các thiết bị theo dõi.

Cuộc tấn công đường ống Nord Stream được đánh giá là một bí ẩn thời chiến. Ảnh: AFP
Cuộc tấn công đường ống Nord Stream được đánh giá là một bí ẩn thời chiến. Ảnh: AFP

Thêm vào đó, Baltic cũng là một nghĩa địa khổng lồ các loại vũ khí chưa nổ và vũ khí hóa học sau 2 cuộc Chiến tranh Thế giới. Hoạt động rà phá những tàn dư này dưới biển không hề xa lạ. Điều này có nghĩa là kinh nghiệm thực hiện những vụ nổ dưới nước khá phổ biến.

Sau những vụ nổ Nord Stream 1 và 2, Ba Lan và Ukraina công khai cáo buộc Nga nhưng không đưa ra bằng chứng. Về phần mình, Nga cáo buộc Anh nhưng cũng không nêu ra bằng chứng.

Những tuần gần đây, Nord Stream AG - công ty do Điện Kremlin sở hữu đa số - bắt đầu tính toán chi phí sửa chữa đường ống và khôi phục dòng khí đốt qua Nord Stream, theo một nguồn tin giấu tên. Ước tính việc sửa chữa đường ống khí đốt có chi phí khởi điểm khoảng 500 triệu USD.

Các chuyên gia tư vấn của Nga cũng đang nghiên cứu xem đường ống bị hỏng có thể chịu được nước mặn trong bao lâu. Câu hỏi đặt ra là, nếu Nga đánh bom các đường ống thì liệu họ có bắt đầu công việc sửa chữa chúng?

Nhiều tầng âm mưu và nhiều bên liên quan

Giống như nhiều câu chuyện bí ẩn, vụ phá hoại có nhiều tầng âm mưu và nhiều bên liên quan với các cấp độ khác nhau về động cơ và năng lực. Ngay cả việc Thụy Điển giữ bí mật về chi tiết cuộc điều tra với các đồng minh cũng làm dấy lên suy đoán rằng các nhà điều tra đã phá được vụ án và đang theo chiến lược giữ im lặng.

Nord Stream gồm hai dự án. Nord Stream 1, đi vào hoạt động vào năm 2011. Nord Stream 2 hoàn thành tháng 9 năm ngoái nhưng Đức không cấp phép nên chưa bao giờ đi vào hoạt động.

Ngay cả khi chiến sự Ukraina bùng phát, theo tài liệu của chính phủ Ukraina, Kiev dự kiến tiếp tục tính phí vận chuyển khí đốt với các công ty Nga, bao gồm cả Gazprom và Rosneft trong nửa đầu năm 2022. Theo hợp đồng, Ukraina nhận được trung bình 1 tỉ USD cho phí vận chuyển khí đốt.

Bởi thế, Nord Stream 1 và 2 không thiếu các bên có khả năng ra tay.

Nhưng phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng có thể được coi là hành động chiến tranh. Một thành viên EU hoặc NATO thực hiện cuộc tấn công này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ niềm tin vào hai trong số các mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của phương Tây.

Cuộc tấn công đường ống có thể có ý nghĩa tài chính với Ukraina, đặc biệt trong bối cảnh xung đột. Tuy nhiên, năng lực để Ukraina thực hiện cuộc tấn công như vậy lại là một câu hỏi khác. Ukraina không có cảng Baltic và tàu ngầm duy nhất của nước này bị Nga kiểm soát từ năm 2014.

Nhiều chính phủ và chuyên gia Châu Âu coi Nga là thủ phạm. Nhưng Đức là bên chặn việc đưa Nord Stream 2 vào hoạt động và vụ nổ hoàn toàn không có lợi cho Nga khi nước này phải tiếp tục trả phí trung chuyển khí đốt qua Ukraina.

Những cơ hội có đột phá

Các nhà điều tra Thụy Điển đã thu được chất nổ còn sót lại từ hiện trường vụ nổ. Nhưng các nhà điều tra cũng nhận thấy Baltic là một môi trường khó khăn. Hình ảnh dưới biển có thể quan sát được rất ít.

Việc giám sát một đường ống khổng lồ như Nord Stream sẽ cực kỳ tốn kém và không bao giờ là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan tình báo Châu Âu.

Theo các chuyên gia an ninh, cách giám sát dưới biển tốt nhất trong khu vực là bằng các cảm biến sonar của Nga dọc theo đường ống. Các nhà điều tra phương Tây không có quyền truy cập vào dữ liệu đó.

Với rất ít bằng chứng từ đáy biển, một bước đột phá cho cuộc điều tra có thể từ các máy nghe lén của các cơ quan tình báo và dựa vào nguồn lực con người. Nhưng cho đến nay, các cơ quan tình báo Mỹ và Châu Âu chưa chia sẻ công khai bất kỳ dữ liệu nào mà họ thu thập được.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Báo Mỹ tung bằng chứng Nga không đứng sau vụ nổ Nord Stream

Ngọc Vân |

Hiện không có bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ nổ Nord Stream - tờ Washington Post của Mỹ cho biết.

Động thái mới của Canada về Nord Stream

Khánh Minh |

Canada sẽ thu hồi quyền miễn trừ trừng phạt đối với tuabin của đường ống Nord Stream do tập đoàn dầu khí Nga Gazprom vận hành.

Bà Merkel thừa nhận mục đích thực của thỏa thuận Ukraina và Nord Stream 2

Ngọc Vân |

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel bình luận về thỏa thuận hòa bình Ukraina và quyết định xây Nord Stream 2.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.