Bài học từ “Đất rừng phương Nam”
Bộ phim “Đất rừng phương Nam” đến nay đã có doanh thu trên 123 tỉ đồng. Phim tạo ra được sức hút, dư luận sôi nổi, nhiều chiều, đó là điều đáng mừng. Nhất là trong giai đoạn chúng ta đang quan tâm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh.
Tuy nhiên, phim cũng có những hạn chế, sai sót.
Đã có những tranh cãi xoay quanh việc “Đất rừng phương Nam” là phim lịch sử hay phim giải trí (theo đó, có nhiều người lại bàn thêm về quyền hư cấu hay yêu cầu/nguyên tắc phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng hiện thực đời sống). Đây là những vấn đề lớn của văn học, nghệ thuật từ xưa đến nay và nhiều năm sau nữa.
Tôi thấy yếu tố giải trí của “Đất rừng phương Nam” nổi trội hơn yếu tố lịch sử, chính trị, nhưng không vì thế mà giới chuyên môn và người xem coi nhẹ hay bỏ qua nội dung lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán được thể hiện trong phim.
Về tính hư cấu, quyền hư cấu và tính chân thật của lịch sử, cứ nêu một câu hỏi, dù hơi kỳ, rằng, nếu nhà văn Đoàn Giỏi còn sống, liệu cụ có đồng ý để biên kịch, đạo diễn và ê-kíp làm phim đẩy thời khắc lịch sử, bối cảnh, nhân vật được phản ảnh trong tiểu thuyết của cụ lên trước 1925-1930 năm hay không? Thời điểm này, nhà văn Đoàn Giỏi mới chỉ 5 tuổi (Đoàn Giỏi sinh năm 1925).
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” dù sử dụng nghệ thuật hư cấu, đã lấy mốc thời gian chính xác từ ngày 23.9.1945 trở đi - ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2.
Dù là phim giải trí, dù đạo diễn và ê kíp có quyền hư cấu cao đến đâu chăng nữa, cái quyền đó liệu có lợi gì hơn cho họ trong sáng tạo nghệ thuật?
Nếu muốn hư cấu nhiều hơn, nếu chỉ là "lấy cảm hứng" từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, tại sao đạo diễn, biên kịch và ê kíp làm phim phải lấy nguyên tên tiểu thuyết? Vì sao phải lấy tên và hình tượng, hành động, tính cách các nhân vật trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” như cậu bé An, thằng Cò, bé Xinh…?
Hai tổ chức "Thiên Địa hội" và "Nghĩa Hòa đoàn” sau khi gây ồn ào, nhà làm phim đã sửa lại là "Chính Nghĩa hội" và "Nam Hòa đoàn".
Tôi nghĩ, đoàn phim không nên vin vào lý do "gia đình, người thân nhà văn Đoàn Giỏi rất hài lòng với bộ phim", nói như thế là khiên cưỡng và võ đoán. Gia đình người thân tác giả khác với tác giả - người dứt ruột sinh thành nên tác phẩm.
Tôi cũng là người viết nhiều tác phẩm văn chương, kịch bản sân khấu, đã từng bàn với đạo diễn rất kỹ nhân vật nào, tình tiết nào là quyền đạo diễn hư cấu, “tung tẩy” và nhân vật nào, tình tiết nào tác giả kịch bản cần phải giữ nguyên.
Tất cả đều có lý do, việc yêu cầu giữ nguyên như trong kịch bản, chắc chắn liên quan đến nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử.
Một số băn khoăn khác về bộ phim “Đất rừng phương Nam”, ví dụ như cảnh quay chợ nổi miền Tây trong phim thời đó (dù trước năm 1945 hay những năm sau đó) là quá đẹp, quá sạch sẽ, quá yên ả; trang phục của các nhân vật cũng gây ra những băn khoăn, thắc mắc, có phải họ là người dân Nam Bộ không?
Người Hoa ở Việt Nam là một bộ phận máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, điều này không cần bàn cãi.
Nhưng vai trò của người Hoa trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm dù là thập niên hai mươi, ba mươi hay bốn mươi, năm mươi của thế kỷ trước ở Nam Bộ chưa hẳn đậm nét, thậm chí được tô hồng như trong phim.
Lịch sử phải được tôn trọng, phải thể hiện như đã xảy ra, và chúng ta không được phép “bài” ai, bênh ai.
Cơ quan cấp phép cần nâng cao năng lực, trách nhiệm
Công tác quản lý nhà nước về điện ảnh cũng cần đổi mới, nâng cao, nhất là năng lực, trách nhiệm của cán bộ Cục Điện ảnh.
Việc biên tập phim cần người am hiểu về lịch sử, văn hoá, xã hội; việc thẩm định và cấp phép cho phim cần khoa học, rành mạch và chuyên nghiệp hơn.
Cục Điện ảnh cấp phép cho phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp rồi, sau đó, dư luận có ý kiến chỗ này, chỗ kia thì lại vội vàng yêu cầu nhà sản xuất và nhà phát hành chỉnh sửa.
Rõ ràng phim đã được thẩm định, cấp phép nhưng dường như sai lỗi sai chỉ ở phía nhà làm phim, còn Cục Điện ảnh vô can?
Khi phim đã chỉnh sửa xong, lẽ ra phải cấp phép lại cho bản đã chỉnh sửa theo quy định của Luật Điện ảnh nhưng điều này đã không diễn ra (hoặc chưa diễn ra?!). Làm như vậy là không công bằng, không rành mạch, thiếu nghiêm túc, từ đó đẩy dư luận nóng lên, phức tạp hơn.
Văn hóa phê bình
Cuối cùng, trong hoạt động văn học, nghệ thuật, dù là người sáng tác, sáng tạo; người làm công tác lý luận, phê bình hay truyền thông, quảng bá (kể cả người xem phim), chúng ta cần trang bị cho mình tư duy, phương pháp và thái độ khách quan, bình tĩnh, dân chủ, nhân văn.
Phim truyện “Đất rừng phương Nam” đã có những nỗ lực, thành công nhất định và cả những hạn chế, thiếu sót cần nhận rõ để rút ra bài học, cho “phần tiếp theo” của phim như ý định của nhà sản xuất.
Chúng ta đang đi những bước đầu của công cuộc xây dựng nền công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh.
Việc góp ý, phản biện hay khích lệ, cổ vũ cho một tác phẩm, công trình, sản phẩm văn hóa là rất cần thiết; nếu vội vàng thoá mạ, quy chụp một cách nóng nảy, võ đoán có lẽ là không nên.
“Nhân bất thập toàn”, nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu nổi tiếng của thế giới, thậm chí “bom tấn” của Hollywood, cũng có không ít hạt sạn.
Họ cũng khen chê đâu ra đấy và nền công nghiệp điện ảnh, sân khấu của họ đã có những bước đi dài, ngoạn mục.