Mở hướng chiến lược mới
Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô với bộ khung chính là 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh.
7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc bộ nói chung.
Việc nhanh chóng triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ kết nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Dự án sẽ tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững.
Có thể thấy, những “công trình thế kỷ” về hệ thống giao thông tại Hà Nội đã và đang góp phần quan trọng, không chỉ với kinh tế Thủ đô mà còn đối với khu vực vùng kinh tế phía Bắc.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định, đây là những công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của Hà Nội, là bộ mặt của Thủ đô. Nhờ có những công trình đó, giao thông đi lại thuận tiện hơn, giúp cắt giảm thời gian di chuyển và tăng năng suất lao động.
“Cơ sở hạ tầng đường bộ mà Hà Nội đang có góp phần tăng khả năng lưu thông, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ. Qua đó, chi phí đi lại hay chi phí liên quan đến logistics được giảm bớt”, TS Cấn Văn Lực nói.
Không chỉ vậy, các “công trình thế kỷ” như một bước để đẩy nhanh hơn quá trình liên kết vùng, cụ thể là vùng Thủ đô. Hà Nội có thể thực hiện tốt hơn vai trò đầu tàu để lan tỏa tốt hơn đối với các vùng lân cận.
Song, hiện nay, những “công trình thế kỷ” vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Tiêu biểu đó là mật độ giao thông đi lại không đồng đều. Theo tiến sĩ Lực, nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch chưa được tốt, gây ra sự lãng phí nhất định đối với cả đường đông và không đông xe đi qua.
Bên cạnh đó, mặc dù những con đường này là huyết mạch rất quan trọng của Thủ đô, tuy nhiên, thời gian xuống cấp nhanh hơn so với các tuyến đường quốc lộ huyết mạch của các nước khác.
“Chất lượng các công trình chỉ ở mức trung bình chứ không đạt đến mức độ tốt để chúng ta yên tâm hoàn toàn” - ông Lực khẳng định.
Ngoài ra, hợp tác công tư của một vài dự án trọng điểm vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu tài chính. Ví dụ là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho đến nay vẫn còn nợ chủ đầu tư, chưa được xử lý dứt điểm. Điều đó vừa ảnh hưởng đến kinh tế nhà nước, vừa ảnh hưởng đến tài chính của chủ đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ, các tuyến đường giao thông trọng điểm sẽ góp phần quan trọng để giúp Hà Nội cất cánh vươn xa. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc giao thông chưa khắc phục triệt để sẽ là cản trở để Hà Nội phát triển.
“Nếu như không thể giãn dân thì Hà Nội sẽ khó mà phát triển vì trong nội ô đang rất đông đúc, ngột ngạt, cản trở đến quá trình phát triển của Hà Nội. Vì lý do đó mà các nhà đầu tư rất ngại để vào Hà Nội đầu tư, đặc biệt ở những vị trí trung tâm” - ông Hòa nói.
Cần có những giải pháp căn cơ để Thủ đô “cất cánh”
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chỉ ra những giải pháp cần nhanh chóng thực hiện để Hà Nội phát huy được tối đa hiệu quả những công trình nói trên, tạo động lực Thủ đô “cất cánh”.
Trước hết, đối với hạ tầng giao thông, bài toán quy hoạch cần được lãnh đạo nhà nước cùng các chuyên gia bàn bạc kỹ lưỡng để tìm ra lời giải phù hợp nhất. Nếu khai thác chưa tốt, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương, các vùng lân cận để có định hướng tốt hơn.
Vị chuyên gia kinh tế này lấy ví dụ về cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay chưa khai thác hết quy mô sử dụng vì người dân vẫn được đi lại tại Quốc lộ 5 cũ, trong khi Quốc lộ 5, các phương tiện lưu thông rất đông.
“Bên cạnh đó, công trình giao thông đường bộ khi có dấu hiệu xuống cấp thì phải nhanh chóng xử lý ngay. Vì để lâu không chỉ làm tăng chi phí tốn kém cho sửa chữa mà còn gây nguy hiểm cho người dân đi lại” - ông Lực cho hay.
Đánh giá khách quan, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định, các tuyến đường vệ tinh của Hà Nội so với Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rất tốt.
Tuy nhiên, để phát huy các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường quốc lộ nối liền Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì giao thông của Hà Nội phải thuận tiện, không ách tắc.
“Đó là một trong những giải pháp căn cơ, cốt lõi để tận dụng hiệu quả những công trình giao thông để phát triển kinh tế cho Hà Nội” - vị ĐBQH này nói.
Còn chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Hà Nội trong việc thực hiện dự án, trong đó trọng tâm nhất là công tác giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 4.
Quan sát phản hồi, ông Liên nhận thấy, người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều mong đợi, sau khi Vành đai 4 hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ giảm được ùn tắc cho Hà Nội, nhất là tuyến đường Vành đai 3.