"Hô biến" nhà ga thành nơi bán nước, hàng ăn
Khu vực nhà ga Phú Diễn, ga Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bị chiếm dụng thành nơi treo các biển hiệu, kinh doanh buôn bán.
Tình trạng lấn chiếm diễn ra nhiều nhất tại khu vực lối đi lên xuống và xung quanh 2 nhà ga Phú Diễn và Cầu Diễn. Biển quảng cáo đặt tràn lan, hàng hóa được bày bán kín vỉa hè.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quang Tiến - Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, ngày 16.3, lực lượng chức năng đã ra quân xử lý khu vực bị lấn chiếm tại nhà ga đường sắt trên địa bàn phường.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng, xử lý nghiêm những trường hợp chiếm dụng khu vực nhà ga để kinh doanh buôn bán", ông Tiến nói.
Theo ghi nhận trong ngày 17.3, không gian tại những khu vực nhà ga nói trên hiện đã trở nên thông thoáng, không còn cảnh nhếch nhác, bị chiếm dụng kinh doanh.
Tuy nhiên, tại 1 số nhà ga khác, người dân vẫn tận dụng việc tuyến đường sắt chưa đi vào hoạt động, ngang nhiên bày bàn ghế để kinh doanh.
Khu vực ga Cầu Giấy - cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) là một điển hình.
Theo ghi nhận, tại khu vực cầu thang, không gian xung quanh lối lên xuống nhà ga này thành nơi bán hàng ăn. Hàng loạt quán trà đá mọc lên như nấm tại khu vực gầm lối lên nhà ga Cầu Giấy.
Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh còn chiếm dụng khu vực thang máy dành cho người khuyết tật làm nơi chứa đồ đạc, hàng hóa, rác thải... Khu vực này trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối do lâu ngày không được vệ sinh.
Anh Đặng Nguyên Hùng (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho hay: Việc người dân chiếm dụng, biến những nhà ga hiện đại trở thành chỗ kinh doanh gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và môi trường xung quanh, đặc biệt là gây mất an toàn cho người đi bộ.
"Tôi thấy tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài. Việc người dân bày bán ngay dưới chân nhà ga rồi còn xả cả rác thải ra rất ô nhiễm môi trường", anh Hùng chia sẻ.
Tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Lao Động, Trung tá Dương Quang Tú - Trưởng Công an phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết, cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải là khu vực giáp ranh giữa 2 phường Ngọc Khánh và Láng Thượng (quận Đống Đa).
Do đó, công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại đây còn gặp nhiều bất cập do chưa xác định rõ địa phương nào quản lý.
“Chiều 17.3, Ban Chỉ đạo 197 của 2 phường Láng Thượng và Ngọc Khánh đã họp và xác định khu vực trước cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải là do phường Ngọc Khánh quản lý”, Trung tá Tú nói.
Theo Trưởng Công an phường Ngọc Khánh, nắm bắt được tình trạng trên, lực lượng chức năng sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chiếm dụng vỉa hè, khu vực nhà ga để kinh doanh, buôn bán.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác nhắc nhở, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, không lợi dụng sự vắng bóng của lực lượng chức năng để tái diễn vi phạm.
Còn Phó trưởng Công an phường Láng Thượng Nguyễn Hoàng Anh cho biết, đơn vị cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm những trường hợp chiếm dụng vỉa hè ở khu vực giáp ranh giữa 2 phường Láng Thượng và Ngọc Khánh, lập lại trật tự đô thị, trả lại không gian cho người đi bộ.