Tạo dấu ấn về một thành phố "thủ phủ" cà phê
Ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - cho biết: "Trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác quản lý xây dựng đô thị, tiến hành cải tạo chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng để kiến trúc cảnh quan ngày càng khang trang, sạch đẹp. Những công trình điểm nhấn mặc dù còn ít nhưng đã mang dấu ấn về thành phố "thủ phủ" cà phê của Tây Nguyên. Chính vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "thành phố cà phê của thế giới". Đây là kỳ vọng rất có cơ sở để thực hiện.
Được biết, cơ quan chức năng thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung năm 2014 để làm cơ sở quản lý đô thị, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý và phát triển đô thị của thành phố. Tính đến thời điểm hiện nay tổng diện tích quy hoạch phân khu tại khu vực nội thành được duyệt là 6.103,48ha; với tỷ lệ phủ kín quy hoạch khu vực nội thành là 78,25%.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - cho rằng: "Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột là "thành phố cà phê của Thế giới" chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê tại địa phương chỉ mới tập trung vào phần cà phê nhân, chưa có sản phẩm chế biến sâu, nổi bật nào để lại dấu ấn riêng. Chúng ta chí ít phải có ngành công nghiệp về rang xay, chế biến những sản phẩm đặc trưng khác về cà phê như nước uống, trà, nước hoa hay thậm chí là mỹ phẩm... chỉ có như vậy mới tạo nên điểm nhấn. Phải làm sao để du khách khi nghĩ về cà phê là nhớ ngay tới Việt Nam, nhắc về Buôn Ma Thuột.
Để làm được điều này, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê, trong đó có đơn vị phải tìm mọi cách để nâng cao giá trị, phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu khác, làm du lịch từ hạt cà phê... vì dư địa là đã có sẵn chỉ ăn thua cách triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất".
Phải mang đậm bản sắc Tây Nguyên
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột: "Ngoài gìn giữ bản sắc đô thị để tạo được sự gắn bó cộng đồng và sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách cần xây dựng hình tượng đô thị, tạo hình ảnh mới mẻ đặc sắc cho đô thị. Chúng tôi biến tất cả các khu vực chức năng đô thị, các công trình kiến trúc trở thành các điểm đến cho du khách. Xây dựng hình tượng đô thị để hấp dẫn các nhà kinh doanh đến đầu tư lẫn thu hút nhân tài đến làm việc và sinh sống, các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia đến đặt văn phòng, hay khách du lịch trong ngoài nước đến thăm quan… Cà phê cần được chuyển tải vào kiến trúc, không gian cảnh quan, từng đường phố, ngõ ngách của đô thị".
Ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - cho biết thêm: "UBND thành phố sẽ lập thiết kế đô thị và chỉnh trang lại kiến trúc đô thị để kể Câu chuyện của Tây Nguyên, đồng thời kiến tạo nên đặc điểm nhận dạng bản sắc không gian đô thị.
Trong đó, một là kiến tạo chất lượng hình ảnh đô thị, bao gồm các kiến trúc điểm nhấn, các tác phẩm nghệ thuật đô thị. Hai là phải kiến tạo chất lượng không gian đô thị dành cho trải nghiệm của người dùng và tăng cường hơn nữa các trục cảnh quan, không gian công cộng độc đáo, với đa dạng hoạt động chú trọng toàn diện đến cảm thụ của con người từ thị giác đến thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác trong không gian. Và cuối cùng là nhấn mạnh trải nghiệm tính thời gian trong hoạt động đô thị với các sự kiện đặc biệt, những lễ hội được sáng tác riêng cho thành phố, cộng hưởng giữa thiết kế và tổ chức hoạt động".