Đánh giá, cấp chứng chỉ an toàn hệ thống
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cuối tháng 10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết phấn đấu trong tháng 12.2020, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thường trực Chính phủ đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện khiến dự án chậm trễ, đến nay vẫn chưa hoàn thành như: Khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hệ thống quy định pháp luật còn bất cập, chủ đầu tư và tổng thầu (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, triển khai đường sắt đô thị. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần nhanh chóng khắc phục, rút kinh nghiệm nghiêm túc và rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án của ngành Giao thông Vận tải trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhân dân thủ đô Hà Nội chờ đợi. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, nhất là những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các bên liên quan, khả năng và giải pháp xử lý đối với các vấn đề đặt ra của dự án. Việc xử lý những vướng mắc để sớm đưa dự án vào khai thác, hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả lâu dài, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối phải đặt lên hàng đầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP.Hà Nội phải tập trung sức lực, các bộ, ngành hợp tác, tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.
Theo Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt, hiện dự án vẫn đang triển khai đúng tiến độ đề ra, theo kế hoạch sẽ chạy thử với nhân sự và tất cả các tình huống diễn tập, dự kiến từ ngày 12.12.2020 sẽ bắt đầu chạy thử toàn hệ thống. Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cũng cho biết, căn cứ kết quả vận hành thử, Liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án (dự kiến trong quý I/2021). Sau khi được cấp chứng chỉ, chủ đầu tư (Bộ GTVT) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.
Được biết, hiện Tổng Giám đốc ACT đã có mặt ở dự án và trong tuần tới sẽ có thêm 7 chuyên gia sang Việt Nam để thực hiện công tác đánh giá vận hành thử. Hiện Phó Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội và đang trong thời gian cách ly y tế tại khu vực của dự án theo quy định. Trong thời gian cách ly ông sẽ tham gia chỉ đạo, điều hành dự án để kịp mốc vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 12.
Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hanoi Metro - cho biết, hiện đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận dự án. Từ ngày 4.11.2020 toàn bộ nhân sự được tuyển dụng đã được các chuyên gia hướng dẫn lại toàn bộ quy trình hoạt động và để đảm bảo chất lượng phục vụ các nhân sự sẽ được kiểm tra lại lần cuối vào 20 ngày chạy thử tàu vào cuối tháng 12.2020.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có thông báo số 185/TB-ĐSHN về việc huy động nhân sự vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, theo thông báo kể từ ngày 27.10. Bắt đầu từ 27.10, Công ty ký kết hợp đồng lao động và tổ chức may đo đồng phục cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Công tác ôn luyện đào tạo và vận hành sẽ bắt đầu ngay từ ngày đầu tháng 11.2020. Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng ban hành thông báo gia hạn thời gian tuyển dụng bổ sung nhân lực vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A đến hết ngày 20.11; Gia hạn thời gian tuyển dụng nhân lực cử đi đào tạo nghề vận hành, khai thác ĐSĐT, dự án Tuyến ĐSĐT thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, giai đoạn 1 đến hết ngày 20.12.
Tại lần chạy thử này sẽ huy động toàn bộ nhân sự vận hành tuyến tàu điện với khoảng 800 người, trong đó 200 người của tổng thầu Trung Quốc, sẽ được huy động; tất cả hạng mục hoạt động giống như khai thác thương mại để đánh giá an toàn, nghiệm thu.
Theo đó, việc vận hành thử toàn hệ thống đóng vai trò quan trọng để đơn vị tư vấn Pháp đưa ra các đánh giá, phục vụ nghiệm thu. Sau khi hoàn thành việc xây lắp vào cuối năm 2018, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử liên động để khớp nối các hạng mục thiết bị. Sau khi công tác chạy thử xong, tổ tư vấn sẽ đánh giá an toàn toàn diện và đưa ra kết luận tại thông báo số 13 về kết quả an toàn của dự án, nếu đảm bảo an toàn sẽ cho phép chạy thương mại. Đây là đánh giá độc lập và các đơn vị đều không có quyền can thiệp vào.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tổng thầu cho biết, hiện đã có 100 chuyên gia sang Việt Nam. Đây là các chuyên gia kỹ thuật, giám sát thiết bị của dự án. Hiện các nhân sự của Tổng thầu làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỉ. Hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến. Theo tiến độ trước đây, dự án chạy thử toàn hệ thống vào đầu năm 2020 để đánh giá an toàn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các chuyên gia từ Trung Quốc và Pháp không thể sang Việt Nam để thực hiện các bước công việc còn lại.
Người dân kỳ vọng tàu sớm hoạt động
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hạng mục tại các nhà ga đều đã hoàn thiện. Phần cầu thang đi lên ga sạch sẽ, hệ thống mái che hoàn chỉnh. Các bảng thông báo về tuyến số, lối vào, thời gian chạy tàu... đã được lắp đặt phía dưới chân cầu. Tuy nhiên, phần chi tiết cho ô “thời gian chạy tàu” lại được để trống.
Dù sau rất nhiều lần trễ hẹn, song người dân vẫn mong muốn đường sắt trên cao sớm đi vào hoạt động để giảm áp lực cho hệ thống giao thông bên dưới. Bà Cao Thị Mai - người dân sinh sống tại Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết: “Tôi rất mong đợi việc đường sắt trên cao này được đi vào hoạt động. Kinh phí nhà nước bỏ ra để xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông là rất nhiều, nếu không sớm đưa vào sử dụng thì sẽ rất lãng phí. Thêm nữa, là người sinh sống tại đây nên tôi biết cứ mỗi buổi sáng sớm hay tan tầm là đoạn đường này lại tắc cứng. Mong rằng đường sắt trên cao sớm đi vào hoạt động để có thể giảm bớt tình trạng tắc đường cho hệ thống giao thông phía dưới. Tôi rất hy vọng về lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT, để người dân không bị thất vọng thêm một lần nào nữa”.
Bà Ngô Thị Huyền (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bao nhiêu lần tôi đọc được thông báo nói cho chạy rồi lại không chạy. Tôi theo dõi thấy lúc thì nói tháng 11, lúc thì tháng 12 và đến giờ thì vẫn chưa thấy hoạt động. Giờ chúng tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều vào thời điểm tàu chạy, chỉ muốn rằng đường sắt này đi vào hoạt động thì phải đảm bảo được an toàn cho người dân”. Hoài Anh