Trào lưu “du học… tìm việc làm”
Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2016, Nguyễn Đức Thành (19 tuổi, Hưng Yên) không nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học trong nước, mà chọn cách học tiếng để đi du học. “Em thấy nhiều anh chị ở quê, học đại học xong cũng chưa xin được việc làm. Khi được một trung tâm tư vấn rằng đi du học Nhật Bản vừa có thể lấy được bằng đại học, vừa có cơ hội làm thêm, kiếm từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng, em đã bàn với gia đình để tham gia. Đi du học theo hình này rất hay, mình có thêm kinh nghiệm, học được ngoại ngữ, nếu chịu khó sau này về nước lại thêm được ít vốn”- Thành chia sẻ.
Hiện nay, nhiều vị phụ huynh lựa chọn hình thức du học này cho con. Gia đình tự túc chi phí năm đầu, với hy vọng sang năm thứ hai con cái có thể tự trang trải được tiền học. Nhất là ở nông thôn, không ít gia đình kinh tế không khá giả, nhưng vẫn cố chạy vạy khắp nơi để có đủ số tiền phí ban đầu, với hy vọng con sang nước ngoài vài năm, tranh thủ kiếm tiền để có cơ hội “đổi đời”. Những thanh niên này đi ra nước ngoài dưới cái mác visa du học, nhưng chủ yếu là sang tìm kiếm việc làm.
“Nếu đi xuất khẩu lao động sẽ đòi hỏi nhiều thủ tục xét duyệt và người tu nghiệp sinh chỉ được ở Nhật trong khoảng 3 năm rồi bắt buộc phải về nước. Và khi sang đấy thì chỉ được làm việc cho công ty đã tuyển, còn nếu đi du học thì mình chủ động hơn, thích làm gì cũng được, miễn là biết tiếng" - Đỗ Thị Nhung (hiện đang ở Nhật Bản theo hình thức vừa học vừa làm - chia sẻ.
Tại Việt Nam hiện nay mọc lên rất nhiều trung tâm, công ty tư vấn du học. Họ đưa ra đủ các lời mời chào, cơ hội du học Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore chỉ với 200 triệu đồng và vẽ ra viễn cảnh vừa học vừa làm, một tháng kiếm được 30 triệu đồng.
Trước thực tế ngày càng nhiều phụ huynh lựa chọn hình thức du học này cho con, GS.TS Khoa học Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam- cảnh báo: “Nếu phụ huynh và con muốn đi du học hình thức vừa học vừa làm thì nên chọn những công ty đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, không nên chọn công ty có lai lịch không rõ ràng, tránh tình trạng “mang con bỏ chợ” rất nguy hiểm với các em”.
Đời du học không như mơ…
Mới đây, câu chuyện về những du học sinh Việt Nam bị bóc lột sức lao động khi sang du học ở Úc, do đài SBS Vietnamese thực hiện đã tạo nên cơn chấn động trong cộng đồng du học sinh Việt trên toàn thế giới. Việc phải tranh thủ đi làm thêm, “học ngày cày đêm” để kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt phí là điều có thực. Không chỉ ở Úc, phần lớn du học sinh Việt ở nhiều quốc gia cũng thế, chấp nhận bị bóc lột sức lao động, miễn là tìm được việc làm.
Theo Đỗ Thị Nhung (một du học sinh Nhật Bản), khi mới sang nếu không có sự động viên của gia đình thì cô đã bỏ cuộc. “Mọi chi phí đều đắt đỏ, giao tiếp thì chưa thông thạo, cuộc sống mới chưa hòa nhập khiến tôi chán nản. Sau đó, tôi chấp nhận làm từ chạy bàn, bưng bê, lau dọn theo giờ để kiếm tiền. Nhưng vì số du học sinh bỏ học giữa chừng nhiều, vì quá sa đà vào việc làm thêm, Chính phủ Nhật Bản đã có quy định du học sinh không được làm thêm quá 28 tiếng/tuần. Việc cũng không nhiều nên chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí”- Nhung nói thêm.
Một số khác khi đi du học dạng tự túc, gia đình không có điều kiện nên cũng phải tìm việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Nhưng cái giá phải trả là không nhỏ, nhiều em bị ảnh hưởng đến chuyện học tập, không theo kịp chương trình học, hết hạn visa mà vẫn chưa thể lấy được bằng.
“Ngoài vấn đề chi phí trang trải cuộc sống, các du học sinh phải đối mặt với vô số cám dỗ và cạm bẫy. Nếu sa vào nạn cờ bạc thì chỉ có nước bố mẹ gửi tiền sang trả nợ, chứ không có chuyện gửi về” – Nguyễn Hữu Nam (đang du học theo hình thức vừa học vừa làm tại Hàn Quốc) chia sẻ.
Anh Nguyễn Nhật Hưng - đại diện tuyển sinh của một trường của Singapore tại Việt Nam – đưa ra lời khuyên cho những người có ý định đi du học tự túc: “Nếu các bạn có ước mơ muốn đi du học, trước tiên phải chuẩn bị thật tốt ngoại ngữ. Hơn nữa phải học khả năng tự lập, biết cách cân đối tài chính và quản lý về mặt thời gian. Nếu không sẽ dễ bị… vỡ mộng”.