Hiện ở VN chỉ có 2 cây cầu tổ chức lưu thông ngược chiều (đi trái phần đường) là cầu Long Biên ở Hà Nội và cầu Việt Trì ở Phú Thọ. Hai cây cầu trên đều trong dòng chảy hàng nghìn năm không biết có mối giao cảm nào mà cùng xuất phát theo một hướng ngược về trái tim...
Dù có giải thích lạc quan đến đâu, thì hiện tượng cầu Long Biên được tổ chức giao thông đi ngược chiều là điều mà không phải ai cũng biết. Ngay cả những người Hà Nội gốc cũng ít khi hoài tâm đến điều này. Cụ Phạm Gia Khánh ở phố Hàng Bạc cho biết, sống tới gần đời người (năm nay cụ hơn 80 tuổi), nhưng cũng chẳng để ý đến chuyện cầu Long Biên có kiểu tổ chức giao thông đặc biệt như vậy.
Dù hằng ngày cụ Khánh vẫn có thói quen đạp xe lên cầu hóng gió, tập thể dục, nhưng cụ và nhiều người dân khi được hỏi mới biết và cảm nhận những điều thú vị trên cây cầu đã quen mòn bước chân này. Đem chuyện trên hỏi những cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT số 1 (có trụ sở ngay dưới chân cầu Long Biên), cũng chẳng ai biết vì sao lại có việc đó.
Gần đây, khi cầu Long Biên trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều lý do phá dỡ hay bảo tồn, rất nhiều cơ quan báo chí đã viết về cây cầu lịch sử trên.
Trong chùm ảnh “Những thăng trầm lịch sử của cầu Long Biên” đăng trên vài báo điện tử, có một bức ảnh chú thích là: Cầu xây dựng chủ yếu để phục vụ tuyến xe lửa chở nguyên, nhiên liệu trong cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.
Cầu Long Biên từng bị nghiêng vì những dòng xe của thực dân điều quân từ trong nội thành sang sân bay Gia Lâm, tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Mặc dù có trích dẫn như thế, nhưng chưa một tờ báo nào để ý đến việc phân luồng giao thông độc đáo ở cây cầu lịch sử này.
Hiện cầu Long Biên vẫn sừng sững như xưa, dù đã trải qua bao thời gian, bom đạn. Hằng ngày, hàng chục nghìn lượt người ngược xuôi trên cây cầu soi bóng Hồng Hà và mọi người đều... đi bên trái như những người Ănglê. Điều này có vẻ hơi phí lý, vì đây là cây cầu do người Pháp thiết kế, phục vụ nhu cầu giao thông và yêu cầu của cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp.
Những người Pháp thiết kế cầu kiểu Pháp, ban đầu lối đi được thiết kế để đi bên phải. Nhưng tại sao lối đi của cầu Long Biên lại bên trái? Nguyên nhân rất đơn giản: Khi người Pháp thực hiện công cuộc khai thác tại miền Bắc, mọi sản vật, khoáng sản đều được chuyển về “mẫu quốc” theo đường cảng Hải Phòng.
Xe cơ giới chở đi thì nặng, quay về Hà Nội thì nhẹ. Do quá trình thăm dò địa chất khi thi công chưa thật tốt, nên càng ngày bên phải cầu càng phải chịu tải trọng lớn hơn bên trái và... nghiêng dần sang phải. Nhằm khắc phục tạm việc nghiêng cầu, người Pháp đã phân luồng xe chạy sang bên trái.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chính quyền về tay Việt Minh và người dân vẫn giữ thói quen đi lại đó. Dần dần, qua năm tháng, việc đi bên trái đã trở thành bình thường và là một nét độc đáo của cây cầu trăm tuổi nối hai bờ sông Hồng, dù điều này chẳng mấy ai biết đến và để tâm.
Bài 2: Phi đáo Long Biên bất thành thuyền trưởng