Thông tư đã đơn giản hóa 15 TTHC trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu được quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24.10.2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, đối với các TTHC được thực hiện tại Bộ Công Thương, cho phép thương nhân được lựa chọn các hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Đối với các TTHC được thực hiện tại Sở Công Thương, rút ngắn thời gian tiếp nhận từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc, thời gian thẩm định hồ sơ cấp các giấy xác nhận, giấy chứng nhận từ 30 ngày làm việc xuống 20 ngày làm việc.
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Thông tư bãi bỏ 02 TTHC là “Đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện” và “Đăng ký thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện” tại Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thươngquy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.
Đồng thời, Thông tư cũng bãi bỏ các quy định điều kiện của tổ chức đánh giá sự phù hợp tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Việc xem xét các điều kiện của tổ chức đánh giá sự phù hợp được thực hiện thống nhất theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Ba là, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu than, khoáng sản, Thông tư quy định linh hoạt hình thức bản sao là “Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu” để tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu khoáng sản tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT và thủ tục xuất khẩu than quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BCT.
Việc đơn giản hóa này đồng thời cũng đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bốn là, trong hoạt lĩnh vực xuất khẩu gạo, Thông tư bãi bỏ Chương IV Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31.12.2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4.11.2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tương ứng với đó đã bãi bỏ bản chính hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Năm là, trong lĩnh vực nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống, Thông tư bãi bỏ 2 Thông tư trong lĩnh vực này, gồm: Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12.5.2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thông tư số 04/2017/TT-BCT ngày 9.3.2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Sáu là, Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.
Thông tư này là để hiện thực hóa Phương án đơn giản hóa của Bộ Công Thương tại Quyết định số 4648/QĐ-BCT ngày 9 tháng 12 năm 2016. Việc ban hành Thông tư này cùng với việc ban hành 04 Nghị định của Chính phủ, 08 Thông tư khác của Bộ Công Thương trước đó và 05 dự thảo Nghị định, Quyết định Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền trong năm 2017 đã góp phần nâng tỉ lệ thực hiện Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương đến thời điểm này lên 181/123 TTHC. Trong đó mục tiêu của việc bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC này của Bộ Công Thương là tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách TTHC trong thời gian qua.