Chiều 12.7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hải Phòng khoá XV, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc sở GDĐT Hải Phòng - trả lời chất vấn của các đại biểu về chương trình trường học kiểu mới (VNEN) triển khai trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Phạm Thị Huyền – Phó Ban Văn hoá xã hội HĐND TP. Hải Phòng - đặt câu hỏi: Sau 4 năm triển khai thí điểm chương trình giáo dục VNEN, Hải Phòng đã có sơ kết, đánh giá như thế nào về mô hình giáo dục này? Ưu nhược điểm và đề nghị sở cho biết có triển khai nhân rộng hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết: Tính đến nay, Hải Phòng đã triển khai mô hình trường học kiểu mới (VNEN) được 4 năm với 12/15 quận, huyện thực hiện thí điểm mô hình ở hai cấp là tiểu học và THCS. Trong đó, cấp tiểu học có 124/231 trường (chiếm 53,68%) và 16,83% số học sinh tham gia. Cấp THCS có 11/14 địa phương tham gia với 27 trường và 39 lớp.
Ông Trường cũng đã nhận trách nhiệm trước trước thành phố, nhân dân việc phối hợp giữa Sở GDĐT với các quận huyện trong việc thực hiện chương trình này chưa được như mong muốn. “Năm học 2016, Sở GDĐT Hải Phòng cũng đã có sơ kết 3 năm thực hiện chương trình VNEN và đánh giá có mặt được mặt không” – ông Trường nói.
|
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành chỉ đạo ngành giáo dục TP phải xem xét quyết định việc tiếp tục hay dừng chương trình VNEN trong năm học tới. |
Theo đại biểu Phạm Thị Huyền: Dự án về chương trình mô hình trường học kiểu mới VNEN được triển khai từ năm 2013, dự án kết thúc năm 2016. Sau đó Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các địa phương thí điểm chương trình này, trong đó: Khuyến khích các địa phương thực hiện chương trình VNEN. Những trường chưa thực hiện thì chọn yếu tố tích cực của mô hình để áp dụng.
Bộ không ép các địa phương phải thực hiện mô hình này. “Tại Hải Phòng, trong quá trình giám sát, HĐND TP đã nghe được nhiều kiến nghị của cử tri phàn nàn về chương trình, lo lắng về việc nếu tiếp tục, học sinh sẽ không đủ trình độ để thi vào 10. Trong khi đó, cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay trong ngành cũng chưa tạo được sự đồng thuận về việc triển khai mô hình, hiệu quả đạt được không như mong muốn” – bà Huyền nói.
Trước chất vấn này, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, chương trình VNEN thay đổi cách dạy và học, giáo viên hướng dẫn và trò tự chủ trong việc tiếp thu kiến thức, học sinh được tạo khả năng hợp tác nhóm, không nhàm chán.
Tuy nhiên, GĐ Sở GDĐT Hải Phòng cũng phải thừa nhận: Hạn chế của mô hình là các học sinh yếu sẽ không theo kịp chương trình, không tham gia thảo luận, dễ chán nản, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, sĩ số lớp quá đông…
“Ngay sau đây, sở sẽ có kiến nghị Bộ GDĐT xin ý kiến về việc sẽ chọn trường hoặc chọn theo khối để thực hiện tiếp chương trình VNEN, hoặc nếu không đủ điều kiện sẽ cho dừng chương trình” – ông Trường nói.
Kết thúc phần chất vấn GĐ Sở GDĐT Hải Phòng, ông Lê Văn Thành – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng - nhấn mạnh: Do cơ sở vật chất của các trường chưa đủ điều kiện. Thêm vào đó, những mục tiêu của chương trình VNEN đặt ra đã không đạt yêu cầu, việc thí điểm kéo dài quá lâu, lại đã triển khai tại nhiều trường.
Việc tồn tại hai mô hình giáo dục trong một trường học không những ảnh hưởng đến thầy cô giáo mà còn ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh. Về chương trình học, T.Ư chỉ định hướng, còn địa phương được quyền tự quyết. “Đề nghị sở GD khẩn trương có báo cáo gửi thành phố trước khi năm học mới bắt đầu, trong đó quyết định lựa chọn dừng hay triển khai tiếp chương trình VNEN. Nếu triển khai VNEN thì triển khai trên toàn thành phố, nếu không đủ điều kiện thì dừng lại” – ông Thành nói.