Thầy cô “tăng ca” không lương vì thiếu giáo viên trầm trọng

Đặng Chung - Thiều Trang |

Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc thiếu giáo viên đã và đang gây áp lực vô cùng lớn lên đội ngũ nhà giáo. Giáo viên phải cật lực làm việc, tăng giờ làm nhưng nhiều thầy cô không nhận được bất cứ đồng lương “tăng ca” nào. Điều này không chỉ là thiệt thòi, mà ít nhiều khiến giáo viên vơi đi động lực cống hiến.

Quá tải công việc nhưng thiếu hụt tiền lương

“Bận rộn, quá tải” là tình trạng chung của giáo viên dạy lớp 1, khi phải dốc sức chống đỡ sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục. Phải dồn lớp, ghép lớp, giáo viên “dạy tăng ca” nhưng không được tăng lương... là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương mà chúng tôi ghi nhận trong thời gian qua.

Cô Phan Thị Hải Yến - giáo viên Trường Tiểu học Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) là cá nhân điển hình của việc “gồng mình” thực hiện sứ mệnh “trồng người” trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay.

Để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - học sinh được học tối thiểu 32 tiết/tuần (tương đương 9 buổi/tuần), phải bảo đảm được tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng thực tế, theo cô Yến, cố gắng lắm trường mới tuyển đủ 1 giáo viên/lớp. Trong trường hợp giáo viên đứng lớp có công việc đột xuất, chỉ có thể xếp lịch dạy bù vào buổi khác vì không có đủ giáo viên để dạy thay.

Cô Hải Yến cũng cho biết, từ năm học 2020-2021 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học. Việc soạn bài, chuẩn bị bài, thiết kế các hoạt động để học sinh được tương tác nhiều hơn... đang chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên ngoài giờ lên lớp.

“Hiện nay, 100% giáo viên trong trường phải mang việc về nhà làm và hầu hết không có khái niệm thứ 7 và chủ nhật. Áp lực hơn rất nhiều, nhưng là nhiệm vụ, vì sự tiến bộ của học sinh, nên giáo viên chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức mình. Nhưng nhiều lúc chồng con không thể thông cảm được vì quá bận rộn, không lo được cơm nước cho gia đình”- cô Yến thở dài.

Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân lực đã và đang gây áp lực, tạo ra sức ép lớn đối với thầy cô. Nhiều giáo viên cho biết, công việc, áp lực tăng, nhưng đồng lương nhận được không đủ để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Việc thiếu giáo viên cũng dẫn đến tình trạng dù phải dạy tăng tiết, nhưng lại không được trả tiền làm thêm giờ.

Bà Lê Thị Hải Yến - Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, khi sơ kết học kỳ 1 ở cấp tiểu học, giáo viên trên địa bàn đánh giá việc triển khai chương trình GDPT mới có nhiều tín hiệu lạc quan ở khả năng tiếp thu của học sinh, nhưng cũng rất trăn trở về việc không được trả tiền dạy tiết tăng thêm vì thiếu giáo viên.

“Ngành giáo dục của huyện vẫn động viên các trường, động viên thầy cô là tất cả vì học sinh thân yêu. Nhưng năm nay là lớp 1, còn đổi mới ở những năm tiếp theo nữa, chẳng lẽ cứ mãi động viên nhau bằng lời thế này” - bà Yến nói.

“Không có kinh phí để trả lương cho giáo viên dạy tăng tiết vào buổi chiều” - là khó khăn chung của không chỉ huyện Khoái Châu, mà trên toàn tỉnh Hưng Yên và nhiều địa phương khác trên cả nước. Lý do là hiện nay, ở các địa phương, kinh phí phân bổ về cho giáo dục được tính theo đầu giáo viên. Trong khi ngành nội vụ không cho thêm biên chế, thậm chí bị sức ép phải giảm 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, nên tình trạng thiếu giáo viên để thực hiện chương trình GDPT mới càng thêm trầm trọng. Không được tuyển đủ giáo viên, nên đương nhiên cũng không có thêm kinh phí để trả lương khi những người đang đứng lớp hiện tại phải dạy thêm giờ.

Là người “trong cuộc”, cô Hải Yến rầu rĩ cho rằng, ai cũng có gia đình, chồng con, ai cũng phải lo toan cơm áo gạo tiền. Vì vậy, việc đi “dạy tăng giờ” nhưng không được hỗ trợ lương thật sự rất thiệt thòi.

Theo ghi nhận của PV, ngoài Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang và một số địa phương thực hiện xã hội hóa việc dạy buổi 2 để lấy kinh phí chi trả tiết dạy tăng thêm cho giáo viên, còn phần lớn các địa phương trên cả nước, giáo viên lớp 1 đều chịu cảnh “tăng ca nhưng không được tăng lương”.

Hiện các cấp, ngành đang cố gắng để học sinh lớp 2 cũng được học 2 buổi/ngày, nếu bài toán thiếu giáo viên, kinh phí chi trả làm thêm giờ không sớm được giải quyết, rõ ràng sẽ là sức ép và gây áp lực rất lớn lên đội ngũ nhà giáo và ngành giáo dục.

Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học

Trên chặng đường đổi mới giáo dục hiện nay, cả kỳ vọng và nỗi lo đều tập trung vào đội ngũ nhà giáo - vốn được xem là khâu then chốt, quyết định chất lượng giáo dục và sự thành công của cuộc đổi mới. Lực lượng đóng vai trò quan trọng là vậy, nhưng hiện nay tại nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang loay hoay giải bài toán làm sao vừa đủ số lượng giáo viên đứng lớp, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để đạt chuẩn theo yêu cầu mới.

Theo thực tế, thiếu giáo viên là một vấn đề nan giải tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tình trạng này đã diễn ra trong suốt 5 năm qua và ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn.

Theo số liệu mới nhất của Bộ GDĐT, hiện nay toàn quốc thiếu khoảng 95.000 giáo viên. Trong đó, hơn một nửa là giáo viên mầm non với số lượng là 48.000 giáo viên, bậc Tiểu học thiếu 21.000 giáo viên, bậc Trung học cơ sở thiếu 15.000 giáo viên và bậc THPT thiếu 11.000 giáo viên. Đặc biệt, nhiều nơi đang bị thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học và các môn học theo chương trình GDPT mới.

Theo các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng như tăng quy mô dân số hàng năm; di dân tự do; huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông đến lớp tăng cao nhằm thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị về nguồn lực và nhân lực cho giáo dục ở các địa phương không kịp thời nên tình trạng này càng trở nên trầm trọng.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Loan - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Hà Nam), việc thiếu giáo viên trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay là một trong những khó khăn lớn, làm hạn chế chất lượng dạy học ở bậc học này. Bởi theo chương trình GDPT mới, học sinh tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mới đảm bảo được chất lượng và yêu cầu đặt ra. Nếu tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, thầy cô phải dạy tăng ca, vấn đề thu nhập không được đáp ứng, thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến động lực cống hiến của các thầy cô.

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nam - cũng thừa nhận rằng, thiếu giáo viên đang là vấn đề khó khăn nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay. Ông kiến nghị Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ cần sớm tham mưu với Chính phủ giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo tối thiểu tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

Đặng Chung - Thiều Trang
TIN LIÊN QUAN

Vẫn thiếu giáo viên, tại sao tốt nghiệp sư phạm không xin được việc?

TUỆ NHI |

Hiện nay tỉ lệ tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm ra trường khá thấp, trong khi đó tại một số địa phương tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Biến mỏ đá bỏ hoang ở Hóa An thành khu du lịch 9.000 tỉ đồng?

MINH CHÂU |

Đồng Nai - Mỏ đá bỏ hoang ở phường Hóa An, TP Biên Hòa được ví như "tuyệt tình cốc" nhưng rất nguy hiểm, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư chụp hình ngắm cảnh.

Sai phạm ở dự án Ba Hồ - Bản Chùa, 13 cá nhân bị kiểm điểm

HƯNG THƠ |

QUẢNG TRỊ - Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng ở dự án Ba Hồ - Bản Chùa, 13 cá nhân liên quan và tập thể bước đầu đã bị kiểm điểm trách nhiệm.

Thời điểm không khí lạnh tác động mạnh nhất đến miền Bắc

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định do tác động của không khí lạnh, từ đêm 2.10, nhiệt độ ở miền Bắc tiếp tục suy giảm.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Kiểm tra vụ đất "chưa sạch" mang đi đấu giá ở Khánh Hòa

Hữu Long |

Khánh Hòa - Địa phương sẽ kiểm tra vụ đất "chưa sạch" nhưng xã tổ chức đấu giá, khiến người dân dù trúng đấu giá đất nhưng chưa được giao.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.