Theo thống kê của ngành hàng không, từ ngày 1-15.6, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) chậm 191 chuyến trên tổng số 1.489 chuyến (chiếm tỷ lệ 12,8%).
Trong đó, đáng chú ý có 180 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không (chiếm 94,2% so với tổng số các chuyến chậm).
Tương tự, hãng hàng không Vietjet Air (VJ) chậm 435 chuyến trên tổng số 1.094 chuyến (chiếm tỷ lệ tới 39,8%), trong đó có tới 425 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không (tỷ lệ 97,7% so với tổng số các chuyến chậm).
Hãng hàng không Jetstar Pacifics chậm 64 chuyến trên tổng số 244 chuyến (chiếm tỷ lệ 26,2%), trong đó có 61 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không (lệ 95,3% so với tổng số các chuyến chậm).
Trước tình hình này, sân bay Nội Bài đề nghị các hãng tăng cường công tác kiểm soát tàu bay, đặc biệt là đối với các chuyến bay quay đầu quốc tế/nội địa và ngược lại, hạn chế tối đa việc chậm chuyến trong thời gian tới để giảm thiểu số lượng chuyến bay bị chậm và nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, tháng 6 là giai đoạn cao điểm khai thác nên các hãng hàng không phải tăng quay vòng máy bay hoặc thuê ướt để tăng chuyến khiến chất lượng dịch vụ ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều khách hàng cũng phàn nàn về vấn đề chất lượng khi phải chờ đợi hàng giờ khi máy bay đến trễ hoặc có sự cố và khi một chuyến bay “delay”, nhiều chuyến bay kế tiếp cũng bị ảnh hưởng theo.