Người 40 năm làm nghề sầu nhất thế gian

Hữu Vi |

Lên 15, 16 tuổi, Vi Văn Hoan đã gắn với nghiệp kèn đám ma và suốt 40 năm qua. Hễ làng bản có người qua đời, ông lại cầm kèn đi giúp làm phúc, không hề nhận tiền công.

Theo nghề vì... hâm mộ

Ông Hoan hiện đứng đầu tổ nhạc tang lễ bản Hoa Tiến 1 xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Gọi là nhóm, nhưng những người chơi nhạc đám tang của cộng đồng người Thái nơi đây không được tổ chức chặt chẽ như các phường bát âm ở miền xuôi. Nhóm có 5 người, chơi các nhạc khí như trống, mõ, chũm chọe, chiêng và kèn và được gọi là “quản trại”. Giàn nhạc “quản trại” vẫn thường thấy trong tang lễ của người Thái ở Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp (Nghệ An). Mỗi khi có “việc làng”, từ ám chỉ khi có người qua đời, tang quyến thường đến mời ông Hoan đi thổi kèn. Ông thường gọi thêm những bạn chơi nhạc đến cùng nhau làm phúc.

Sau đám tang, thường kéo dài 3 ngày, ông trở về với chiếc chòi rẫy. Người đàn ông 56 tuổi hiện sinh nhai chủ yếu bằng việc làm ruộng, trồng mía, nuôi gà. Ông và nhóm của mình hầu như chẳng nhận một đồng thù lao nào sau khi phục vụ đám tang. “Ở đây mọi người đều vậy. Chủ yếu là làm phúc cho nhau chứ không ai nhận tiền đâu” - ông bộc bạch.

Từ nhỏ, ông Hoan đã theo thân phụ cũng là một người thổi kèn đi phục vụ các đám ma trong cộng đồng. Ban đầu chỉ để xem cho vui. “Ai ngờ sau đó thì hâm mộ luôn. Thế là mình đòi cha dạy cho cách thổi” - ông Hoan nói về cơ duyên đến với “nghiệp” thổi kèn đám ma.  Năm 15 tuổi, ông được cha cho phép ngồi thay mình thổi kèn trong một đám tang. Cũng từ đó, ông thay cha phục vụ “quản trại” khi làng gần, bản xa có người qua đời.

Kèn soma là nhạc cụ quan trọng nhất của dàn nhạc đám ma người Thái.
Kèn soma là nhạc cụ quan trọng nhất của dàn nhạc đám ma người Thái.

Kèn bầu - người Thái gọi là “pí kèo” - là nhạc của chính của giàn nhạc “quản trại”. Thân kèn bằng ống trúc có 7 lỗ bấm. Một đầu có gắn lưỡi gà để tạo ra âm thanh, đầu kia có loa bằng gỗ để khuếch đại âm lượng. Kèn, chiêng và trống là là hai nhạc khí chính của giàn “quản trại”. Chũm chọe, mõ chỉ có vai trò phụ họa.

Theo tập tục bản địa thì nhạc đám tang của người Thái có một số làn điệu chính như “la keo”, thổi sau khi nhập quan và con cháu, dâu, rể xếp hàng đi 3 vòng quanh hòm người chết. Một điệu chung được thổi thường xuyên trong suốt tang lễ. Một điệu dùng khi đưa võng có áo của người chết ra sông làm nghi lễ tắm rửa. Một điệu nữa giành cho những người chết trẻ khi tiễn họ lên trời... Tuy có những làn điệu chính như thế, nhưng khi chơi, nhạc công có thể nhấn nhá, biến tấu khiến các bài nhạc cho dễ nghe hơn.

Mai này ai thổi kèn cho tôi?

Không xem thổi kèn đám ma như một nghề sinh nhai, nhưng ông Hoan cho hay, bản thân vẫn ưa thích công việc này dù chỉ làm không công. Một số người trẻ tuổi ở bản Hoa Tiến 1 cũng tìm đến học nghề. Trong số này, anh Sầm Hưng, thổi khá nhất. Khác với ông Hoan, anh Hưng cho hay bản thân khi được mời đi thổi khèn ở những bản xa vẫn nhận chút thù lao. Gia chủ thường trả cho người chơi kèn tiền xăng xe và khoảng 300.000 đồng cho mỗi đám phục vụ kéo dài 3 ngày.  “Còn khi phục vụ dân bản sở tại hay những bản gần, em chưa bao giờ nhận thù lao” - anh Hưng chia sẻ.

Hiện tại, mỗi bản đều có một vài người chơi được kèn đám ma, nhưng ông Hoan và anh Hưng thường được cư dân lân cận đến xin đi phục vụ tang lễ. Ông Hoan nói rằng, hiện ở bản chỉ còn một vài người chơi được kèn bầu. Phần lớn đều đã nhiều tuổi, chỉ mỗi anh Hưng là trẻ nhất nhưng cũng không thường xuyên ở nhà. Những người trẻ ngày nay, quanh năm suốt tháng đi làm ăn xa. Có ở nhà cũng không mấy người thích học cái nghề “sầu nhất thế gian” này.

“Mình đã phục vụ hàng trăm đám tang, nhưng không biết đến khi nằm xuống liệu có ai thổi cho mình không” - ông nói vẻ ưu tư.

Dù vậy, những lúc rảnh rỗi, ông Vi Văn Hoan lại cầm dao chế tác khèn bầu. Ở bản, loại nhạc cụ này chỉ dùng trong đám ma, nhưng lâu lâu ông Hoan cũng bán được một vài chiếc. Thi thoảng, ông lại cầm kèn thổi cho khỏi quên nghề. Tất nhiên, ông chỉ ngồi thổi ở chòi rẫy và thường chỉ có một mình. Chẳng mấy ai ưa thích khi nghe những điệu kèn ai oán, u sầu, chỉ trừ khi có đám.

Bộ nhạc khí dùng trong đám ma của người Thái ở Quỳ Châu - Nghệ An.
Bộ nhạc khí dùng trong đám ma của người Thái ở Quỳ Châu - Nghệ An.

Nhạc đám ma thời “cơm áo”

Thực ra, nhạc đám tang khá phổ biến trong các cộng đồng thiểu số ở Nghệ An. Ở huyện Quỳ Hợp, dàn nhạc tang lễ của một số cộng đồng người Thái nơi đây chỉ có 4 người. Một người chơi trống, một người chơi kèn, một người nữa gõ chũm chọe. Ngoài ra, dàn nhạc này có có 2 chiếc cồng, một lớn, một bé nhưng lại do một người đánh. Nhạc đám tang của người Thái ở huyện Quỳ Hợp có 4 bài chính. Một bài nhạc được chơi thường xuyên trong suốt tang lễ. Một điệu khác là để cúng cơm cho người chết ăn hoặc khi có người dâng lễ vật. Khi đưa võng có áo người quá cố ra sông cũng có một bài riêng. Trong trường hợp, người quá cố còn trẻ, có thêm một bái nữa tạm gọi là cúng cây hoa để đưa người đoản mệnh về trời.

Người Thái ở huyện Con Cuông hầu như không có nhạc tang lễ. Âm thanh thường nghe thấy suốt tang lễ chỉ là tiếng trống và chiêng. Trong đám tang của người Thổ ở khu vực Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, người ta cũng thổi kèn bầu, đánh trống, gõ thanh la nhưng chỉ có một làn điệu. Tiếng khèn cũng vang lên trong đám tang của người Mông. Người ta tin rằng, tiếng khèn sẽ đưa tiễn linh hồn người chết về trời.

Ông Lương Viết Thoại - một người nghiên cứu văn hóa bản địa ở huyện Quỳ Hợp - chia sẻ: Nhạc tang lễ của người Thái rất khác biệt so với cộng đồng người Kinh và điều đặc biệt là họ chưa dùng đến những loa đài trong khi cử nhạc tang lễ. Tuy nhiên, cũng theo ông Thoại, ngày nay, nhiều đám tang ở các bản người Thái gần trung tâm huyện đã phải chi từ 4 - 6 triệu đồng cho những người chơi nhạc phục vụ cho một tang lễ.

Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.

Lâm Đồng lùi tiến độ về đích dự án giao thông 400 tỉ đồng

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Dự án xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành có tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng đã được phê duyệt lùi thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bắt giữ 1 đối tượng chém Trưởng Công an xã tại Yên Bái

Trần Bùi |

Yên Bái - Sau khi bỏ trốn, 1 trong 2 đối tượng chém trọng thương Trưởng Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã bị bắt giữ.

Cựu công an bị cáo buộc gây cản trở điều tra vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Biết người quen liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, ông Nguyễn Xuân Thông vừa bày cách cho ông này khai báo gian dối, vừa che giấu hành vi phạm tội.