Những bất thường trong sự biến động của vàng

Cẩm Hà – Lam Duy |

Yếu tố đầu cơ khiến giá vàng trong nước tăng nhanh, tăng mạnh hơn mức tăng của giá vàng thế giới và ngay sau đó giảm sâu, giảm lớn hơn nhiều mức giảm của thế giới đặt ra hoài nghi về những bất thường của thị trường vàng cũng như câu hỏi phải chăng đã đến lúc cần có một cơ chế kiểm soát biến động giá vàng (?).

Từ bất thường giá

Những biến động mạnh bắt đầu xuất hiện trên thị trường vàng trong ngày đầu tuần qua khi giá vàng thế giới lần đầu tiên leo lên mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây và liên tục củng cố vị trí này. Dù được dự báo từ trước, đà tăng của giá vàng trong ngày gây choáng vàng khi lần lượt tăng 35,5 USD rồi 45 USD mỗi ounce so với giá đóng cửa tuần trước, lần lượt lên mức 1.678,5 và có thời điểm đạt mức cao nhất 1.688 USD/ounce. Xu hướng tăng giá của vàng trên thế giới dường như đến sớm hơn các dự tính được giới đầu tư vàng đưa ra trước đó bởi chỉ trong một ngày, giá vàng thế giới tăng thêm tới 1,32 triệu đồng cho mỗi lượng vàng quy đổi theo tỉ giá cùng ngày của Vietcombank.

Tuy nhiên, trong khi giá vàng thế giới tăng nhanh được giải thích bởi những lo ngại từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và nền kinh tế thế giới nói chung, biến động rất mạnh của giá vàng trong nước lại gây nhiều hoài nghi kèm lẫn lo ngại. Yếu tố đầu tiên là cách thức các doanh nghiệp điều chỉnh mặt bằng giá. Trong khi giá vàng thế giới chỉ có mức tăng xấp xỉ 1 triệu đồng và có thời điểm cao nhất chỉ tăng tới 1,32 triệu đồng mỗi lượng, các doanh nghiệp trong nước cùng ngày 24.2 tăng giá vàng bán ra tới trên 2 triệu đồng mỗi lượng, thậm chí cao nhất tới 3,06 triệu đồng mỗi lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lần đầu tiên sau rất nhiều năm đẩy giá vàng niêm yết lên mức 47,8 - 49,03 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng tới 3,06 triệu đồng mỗi lượng so với giá niêm yết vào cuối tuần trước đó.

Chính việc điều chỉnh giá mạnh hơn biến động của giá vàng thế giới lại giải thích vì sao giá vàng trong nước lại vọt tăng lên mức cao bất thường tới trên 49 triệu đồng/lượng trong ngày 24.2 và khiến giá vàng trong nước đắt hơn rất nhiều giá vàng thế giới ở cùng thời điểm. Thực tế, ngay từ thời điểm chiều muộn ngày 24.2, trong khi giá vàng thế giới đang được giao dịch quanh mức 1.684,3 USD/ounce (tương đương 47,42 triệu đồng/lượng), giá vàng bán ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại bị đẩy lên mức 49,03 triệu đồng/lượng khiến người dân và các nhà đầu tư trong nước phải mua vàng với giá đắt hơn thế giới tới 1,61 triệu đồng mỗi lượng.

Nhìn nhận về sự bất thường này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu  - cho rằng, có yếu tố tác động từ giới đầu cơ khiến giá vàng trong nước tăng cao. Theo vị chuyên gia này, sự không liên thông với quốc tế của thị trường vàng Việt Nam khiến giá vàng trong nước có cách biến động khác nhau và giá vàng trong nước thường bị đẩy cao hơn thế giới. Trong bối cảnh cung cầu trong nước vẫn đang tương đối cân bằng, việc giá vàng trong nước bị đẩy lên quá cao cho thấy rõ các tác động từ yếu tố tâm lý cũng như yếu tố đầu cơ.

Tới bất thường chênh lệch mua - bán

Đẩy giá vàng tăng cao hơn mức tăng của thị trường thế giới không phải là bất thường đầu tiên. Cách thức điều chỉnh tăng mạnh ồ ạt ở giá bán trong khi tăng “dè dặt” ở giá mua vào mới là điểm bất thường lớn trong biểu giá niêm yết của các doanh nghiệp vàng trong nước. Ngay ở thời điểm nóng bỏng nhất của thị trường ngày 24.2 khi giá vàng thế giới liên tục biến động và giá vàng bán ra tại các doanh nghiệp như SJC, Doji, PNJ hay Bảo tín Minh Châu lần lượt có mức tăng thấp nhất 1,72 triệu đồng đến cao nhất 2,32 triệu đồng mỗi lượng, giá mua vào lại chỉ được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng nhẹ nhàng trong khoảng 1,3-1,7 triệu đồng mỗi lượng. Cách thức điều chỉnh này khiến chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra bị kéo rộng lên mức cao nhất 1,1 - 1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Thậm chí tại SJC, giá vàng miếng loại 1 - 10 lượng vào chiều muộn ngày 24.2 là thời điểm thị trường ghi nhận mức tăng cao nhất được niêm yết ở mức 47,80 - 49,00 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng miếng được giao dịch phổ biến vào cuối tuần trước đó là 45,60 - 46,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng miếng bán ra được SJC tăng thêm tới 2,95 triệu đồng trong khi giá mua vào chỉ được tăng thêm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra - giá mua vào lúc này lên tới 1,2 triệu đồng mỗi lượng là một khoảng lệch giá quá cao nếu so với mức chênh lệch phổ biến thường thấy 300.000 đồng đến cao nhất 500.000 đồng trước đây và điều này cho thấy rủi ro khi mua - bán vàng lúc này là rất lớn.

TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, đặt trong bối cảnh thị trường thế giới đang có biến động mạnh về giá và rất khó dự đoán về các bước đi tiếp theo, việc giãn khoảng cách mua bán là biện pháp thường được các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước áp dụng nhằm đề phòng các rủi ro về giá cũng như các biến động thị trường. Tuy nhiên, với người dân và các nhà đầu tư, mua vàng ở thời điểm chênh lệch giá cao khiến khả năng kiếm lời hay hòa vốn khi bán lại vàng là rất khó khăn, thậm chí cầm chắc phần lỗ. Việc giá mua bán vàng tăng cao tới 47,8 - 49 triệu đồng/lượng trong ngày 24.2, sau đó giảm mạnh xuống chỉ còn 45,8 - 46,6 triệu đồng/lượng vào thời điểm trưa ngày 26.2 cho thấy, người mua vàng ngày 24.2 có thể lỗ tới 3,4 triệu đồng mỗi lượng khi bán lại vàng chỉ sau 2 ngày.

Và câu hỏi về cơ chế kiểm soát giá?

Khẩu vị rủi ro và các phân tích thị trường riêng giải thích cho các quyết định điều chỉnh tăng giảm giá vàng của doanh nghiệp trong nước và điều này giải thích vì sao mặt bằng giá tại các doanh nghiệp là rất khác nhau. Tuy nhiên, chính các điều chỉnh mang tính tự ý không bị ràng buộc bởi các quy định trên đang tạo ra những bất thường về mức tăng giá quá cao so với thế giới cũng như chênh lệch giá mua - bán ngày càng bị kéo rộng khiến người mua vàng gặp rủi ro. Các bất thường này đồng thời đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của cơ chế kiểm soát và khống chế giá, tương tự như cách thức áp dụng biên độ điều chỉnh tỉ giá +/-3% và trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng với các ngân hàng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận, những năm qua Chính phủ rất thành công trong mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế và để thị trường tự điều chỉnh trong những khuôn khổ mà Chính phủ đặt ra, bao gồm việc Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất được nhập khẩu vàng, lựa chọn SJC là thương hiệu vàng miếng duy nhất hay các động thái khác làm giảm mạnh các hoạt động đầu cơ, gom vàng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những khủng hoảng cung - cầu trên thị trường vàng. Thị trường giờ không còn cảnh người dân ào ào đổ xô đi mua vàng khi thị trường có biến động như trước đây, ngoại trừ dịp “Ngày vía Thần Tài” mang nhiều yếu tố tâm lý đầu năm mới. “Các cơ chế kiểm soát này đang mang lại hiệu quả rõ rệt nên tôi cho rằng bây giờ nếu làm mạnh tay hơn nữa, chẳng hạn như khống chế mức chênh lệch giá tối đa không quá 500 nghìn đồng có thể lại tạo ra một sự hỗn loạn cho thị trường” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm tài chính quốc tế này cho rằng, bất cứ ở một quốc gia nào khi Chính phủ có động thái phải siết chặt, có nghĩa là thị trường đang đi vào trong giai đoạn khủng hoảng. Do đó, nếu khống chế biên độ điều chỉnh giá vàng, đồng nghĩa với việc sẽ phát những tín hiệu tới thị trường vàng rằng đang có những khủng hoảng và việc này có thể mang tới những tác động tiêu cực tới thị trường. “Tôi cho rằng, ở thời điểm này, nên để thị trường hoạt động dưới cơ chế kiểm soát mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng như hiện nay” - TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ý kiến.

Cẩm Hà – Lam Duy
TIN LIÊN QUAN

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.

Lâm Đồng lùi tiến độ về đích dự án giao thông 400 tỉ đồng

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Dự án xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành có tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng đã được phê duyệt lùi thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bắt giữ 1 đối tượng chém Trưởng Công an xã tại Yên Bái

Trần Bùi |

Yên Bái - Sau khi bỏ trốn, 1 trong 2 đối tượng chém trọng thương Trưởng Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã bị bắt giữ.

Cựu công an bị cáo buộc gây cản trở điều tra vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Biết người quen liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, ông Nguyễn Xuân Thông vừa bày cách cho ông này khai báo gian dối, vừa che giấu hành vi phạm tội.