Quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh. Quy định Quốc ca là bài Tiến quân ca (Văn Cao). Cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc (sau đó đổi thành Chính phủ Lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban Thường trực gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Trần Huy Liệu là Phó Chủ tịch.
- Ngày 18.8: Khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh lỵ Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho.
- Ngày 19.8: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và các tỉnh lỵ Thái Bình, Phúc Yên, Khánh Hòa.
- Ngày 20.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Sơn Tây.
- Ngày 21.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận.
- Ngày 22.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An, Tân An.
- Ngày 23.8; Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu.
- Ngày 24.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Hà Nam, Quảng Yên, Lâm Viên, Đắk Lắk, Phú Yên, Gò Công.
- Ngày 25.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các thành phố và tỉnh lỵ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Bình Thuận, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Sa Đéc, Kon Tum, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La.
- Ngày 26.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Châu Đốc, Biên Hòa, Hòn Gai.
- Ngày 27.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Rạch Giá, Quảng Ngãi.
- Ngày 28.8: Khởi nghĩa giành chính quyền các tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng và Hà Tiên, căn bản kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
2. Những sự kiện đặc biệt:
- Ngày 25.8.1945, Hồ Chủ tịch về Hà Nội. Người ở tại nhà số 48 phố Hàng Ngang và viết Tuyên ngôn Độc lập ở đây (từ 28.8 – 31.8).
- Ngày 27.8.1945, Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời cử một phái đoàn do Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, làm trưởng đoàn (cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận), khởi hành đi Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là ông vua cuối cùng của hơn 20 triều đại phong kiến Việt Nam. Họ cùng một tiểu đội bảo vệ của Giải phóng quân, đi trên 2 xe ôtô, lên đường.
- Đêm 29.8, đoàn đã có mặt tại trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ (đóng tại Huế).
Trần Huy Liệu, trong hồi ký của mình, viết về chuyến đi lịch sử ấy: Đến cách thành phố 12 cây số, chúng tôi đã gặp ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng của Bảo Đại hồi ấy, ra đón đoàn... Qua câu chuyện của ông Phạm Khắc Hòe, thì sau khi quân Nhật đã đầu hàng và dân chúng biểu tình đoạt chính quyền ở Huế, Bảo Đại đã hoang mang lo sợ, cái hy vọng của hắn không còn là phải “duy trì ngôi báu” mà chỉ còn là bảo toàn tính mạng...
Chúng tôi bàn nhau cách xử trí với Bảo Đại, theo hướng chung là khoan hồng; nếu có việc gì khác sẽ thỉnh thị Hồ Chủ tịch và Chính phủ sau. Bàn xong, chúng tôi nói cho ông Phạm Khắc Hòe viết lại mấy điểm mà phái đoàn đề ra:
1- Sau khi đến điện Kiến Trung gặp Bảo Đại, chúng tôi sẽ nói cho biết ngày làm lễ thoái vị và nghi thức, thủ tục của buổi lễ này.
2- Sau lễ thoái vị, Bảo Đại sẽ phải ra khỏi hoàng cung, chỉ được đem theo những đồ dùng riêng, còn những tài sản, vật liệu trong hoàng cung sẽ do Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ làm biên bản và bảo quản.
3- Những lăng tẩm của hoàng tộc nhà Nguyễn là công trình của nhân dân xây dựng nên phải là tài sản của nhà nước. Họ Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận là của riêng.
Phái đoàn cũng bàn về cách xưng hô với Bảo Đại, quyết định cứ gọi Bảo Đại là “Ông”, còn Bảo Đại xưng gì thì xưng.
Hồi ký Trần Huy Liệu viết tiếp: Chiều hôm ấy (29.8), trước khi đi vào điện Kiến Trung, tôi tưởng tượng là sẽ thấy được những nhộn nhịp, hỗn tạp của một cảnh cuối cùng đương tan rã, sẽ thấy những bộ mặt ngơ ngác của những hoàng thân quốc thích, những công nhân viên và cả vợ Bảo Đại là Nam phương Hoàng hậu. Thế nhưng cảnh trước mắt đã khác trí tưởng tượng của tôi.
Xe phái đoàn đã đậu ở cửa điện Kiến Trung, chúng tôi vẫn không thấy rộn lên cái gì ngoài hai người ra cửa đón là Bảo Đại và ông Phạm Khắc Hòe. Bảo Đại hôm ấy mặc chiếc áo dài màu lam, quần lụa, đầu trần... Hắn gọi chúng tôi bằng “ông” và xưng “tôi”. Trong phòng khách, ngoài Bảo Đại và ông Phạm Khắc Hòe ngồi tiếp chúng tôi thì chỉ có mấy người lính khố vàng hầu hạ trà nước.
Mới đầu, tôi hỏi Bảo Đại về mấy điều kiện mà phía phái đoàn đề ra có ý kiến gì không, hắn xin tuân theo cả. Sau mấy câu trao đổi ngắn gọn, trong bầu không khí yên lặng, chúng tôi không biết nói gì thêm. Đối tượng của chúng tôi lúc ấy là Bảo Đại lại càng không biết nói gì.
Tôi liền gợi chuyện: “Những ngày ông làm vua là những ngày ta bị mất nước, hết Pháp, đến Nhật, chắc ông cũng chẳng sung sướng gì, hơn nữa, chắc cũng nhiều cái khổ tâm?”. Bảo Đại chậm rãi trả lời: “Vâng! Chúng tôi cũng có nhiều cái khổ tâm”. Thế rồi câu chuyện lại rơi vào chỗ yên lặng.
Trước khi phái đoàn ra về thì ông Hòe nhắc, tháng này, tức tháng 8.1945, Bảo Đại và ông Hòe đều chưa được lĩnh lương. Ông Trần Huy Liệu hứa sẽ lưu ý, giải quyết không khó khăn lắm.
- Ngày 30.8.1945, 5 vạn dân Huế tập trung trước cửa Ngọ Môn. Cờ đỏ sao vàng cắm san sát dọc sông Hương. Bảo Đại mặc hoàng bào, quần trắng, chít khăn vàng, chân đi giày dừa thêu rồng, chờ phái đoàn ở lầu Ngũ Phụng.
Sau vài lời xã giao, Trần Huy Liệu thay mặt đoàn thông báo, Chính phủ Lâm thời sẽ ra mắt ở Hà Nội vào ngày 2.9.1945 và Tuyên ngôn Độc lập sẽ do cụ Hồ Chí Minh tuyên đọc. Sau đó, Trần Huy Liệu đứng sang một bên để Bảo Đại đọc Chiếu thoái vị. Những câu cuối cùng của Chiếu thoái vị rất hùng hồn: Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia để lung lạc quốc dân.
“Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia để lung lạc quốc dân.
Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ cộng hòa muôn năm!” - cuối cùng, Bảo Đại hô to.
“Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ cộng hòa muôn năm!” - cuối cùng, Bảo Đại hô to.
Sau một tràng đại bác, lá cờ vàng - quẻ ly - của chính thể quân chủ bị hạ xuống. Cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên giữa tiếng hoan hô như sấm dậy. Lại sau 4 phát súng lệnh, Trần Huy Liệu bước tới, nhận từ tay Bảo Đại, thanh kiếm biểu tượng của vương quyền, để trong bao nạm ngọc và chiếc túi gấm đựng bộ quân cờ nạm ngọc.
Sau đó là việc nhận quốc ấn, cũng chính từ tay Bảo Đại. Trần Huy Liệu đỡ ấn mà không ngờ ấn nặng đến thế. 7 ki-lô-gam vàng làm ông lảo đảo. Dưới kia, biển người hoan hô, vỗ tay như sấm. Trần Huy Liệu đem hết sức bình sinh của tấm thân học trò vừa ra tù, nâng cao quốc ấn lên vài lần, đưa đi đưa lại cả 4 phía cho mọi người thấy, mặt từ đỏ đã chuyển sang tái, may mà quốc ấn không rời tay! Ngay sau đó, Trần Huy Liệu đặt ấn vào tay Cù Huy Cận, một người trẻ khỏe hơn.
Cảnh tượng ấy được Nam phương Hoàng hậu theo dõi qua một khung cửa sổ trên điện Kiến Trung, cùng với “Thái tử” Bảo Long, từ đó đã thành ra “Cựu Thái tử”.
Và như đã biết, 3 hôm sau, ngày 2.9.1945, tại Ba Đình, Tuyên ngôn Độc lập đã được tuyên bởi chính người viết. Chính thể dân chủ - cộng hòa đã chính thức thay chính thể quân chủ - phong kiến nửa thuộc địa, thực hiện quyền lực mới trên toàn cõi Việt Nam.
“Chủ tịch” từ đó thay cho “Hoàng đế”, “Chính phủ” từ đó thay cho “Triều đình”, điều hành đất nước. Tượng trưng thì, quyền lực phong kiến ở ta đã chấm dứt sau lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế, từ ngày 30.8.1945.
Từ đó, những ngày: 19.8, 30.8, 2.9 của năm 1945, đã thành những ngày lịch sử trọng đại của dân tộc ta.
Trọng Thu năm Mậu Tuất - 2018