Còn đó 1.001 chiêu trò “phù phép” ra thực phẩm bẩn
Vừa qua, ngày 6.1, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bình Phước đã kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh sản xuất tương ớt của ông Cao Văn Công, ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, sản xuất, tàng trữ hàng chục can nhựa chứa tương ớt, sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu không rõ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện trong quá trình hoạt động, cơ sở tương ớt trên có sử dụng phụ gia thực phẩm là chất bảo quản và tạo màu. Điều đáng nói, các chất bảo quản và tạo màu này khi mở ra bốc mùi nồng nặc, khó chịu. Đoàn cũng phát hiện tại cơ sở có chứa 30 can tương ớt (tương đỏ) và 8 can tương đen loại 5 lít; 0,5 kg phẩm màu và 1,5kg chất bảo quản.
Theo lời khai của ông Công, số hàng trên được mua từ TPHCM về để chế biến, sản xuất. Chủ cơ sở sản xuất không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các chất bảo quản và chất tạo màu. Hơn nữa, việc sản xuất tương ớt trên mặt bằng bẩn thỉu, không có dụng cụ thu gom rác thải, khu vực sản xuất bên cạnh … chuồng nuôi chó và nuôi chim cảnh...
Sau đó, vào ngày 31.1, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy Công an thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước lại phát hiện một cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn khác.
Qua kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Khắc Quan Nam, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở này đang cất giữ 32 kg chân gà, 25 kg càng ghẹ, 10 kg sụn gà, 45 kg mực nang không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có dấu hiệu nhiễm khuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 1.575 lít tương ớt đỏ và 1.300 lít tương ớt đen không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác hàng hóa. Qua quan sát có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ tương ớt bẩn, những cảnh báo thực phẩm bẩn hằng ngày, hằng giờ được cập nhật. Từ cà phê làm từ bột đậu nành tẩm hóa chất; bì heo, mỡ thối, mực tẩy trắng bằng hóa chất độc hại; rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; nào là thịt lợn chứa chất tạo nạc, thuốc an thần; thịt lợn sề tẩm ướp hóa chất thành thịt bò, giò lợn giả bò, ruốc nhuộm phẩm màu...
Trước đây, kiểm tra một số hộ kinh doanh rau muống bào ở chợ Bình Điền (TPHCM), lực lượng chức năng còn phát hiện người ta đã tẩm rau muống bào bằng một loại hóa chất, khiến rau muống bào tươi xanh nhiều ngày, không bị úa… Tại khu vực đường Tôn Đản, quận 4 (TPHCM), theo chỉ dẫn của lực lượng quản lý thị trường TP HCM, phóng viên báo Lao Động đã phát hiện hàng loạt hộ dân làm nghề bóc vỏ củ tỏi bằng cách ngâm tỏi… chín nhừ trong nước hàn the. Sau đó, họ dùng chân đi ủng đạp tỏi cho tróc vỏ, với số lượng lớn. Kế đó, mang tỏi đi bỏ mối cho hàng trăm quán ăn, tiệm phở… ở TPHCM và phân phối về các tỉnh – thành lân cận.
Hóa chất dùng để nhuộm rau muống bào. Ảnh: HOÀNG HƯNG |
Sản xuất thức ăn bẩn là một tội ác
Bác sĩ Trương Phi Hùng (Bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM), nhận xét: “Theo nhận định của ngành y tế, từ nay đến năm 2020, với tình trạng thực phẩm bẩn vẫn chưa được kiềm chế, giảm thiểu, thì nguy cơ Việt Nam phát sinh thêm 200.000 ca ung thư mới hoàn toàn có thể diễn ra. Trong đó, có 30% số ca ung thư có thể do thực phẩm bẩn gây ra”.
Bác sĩ Hùng cho rằng, đây là vấn đề hết sức đáng báo động, vì hậu quả của thực phẩm bẩn gây ra cho người dân là quá lớn. Trong khi đó, theo ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Hùng Nhơn (Bình Phước): “Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân. Hơn thế, rất thầm lặng, thực phẩm bẩn còn gây tác hại xấu đến giống nòi của người Việt Nam hiện tại, cũng như cho các thế hệ mai sau”.
Trên góc độ một doanh nhân xuất khẩu, ông Hùng còn cho rằng, việc xuất hiện quá nhiều thực phẩm bẩn sẽ làm mất uy tín của hàng hóa Việt Nam, khi có không ít lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài bị trả lại, do vướng nghi vấn… thực phẩm bẩn. Nói như một cán bộ của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn: “Sản xuất thực ăn bẩn là một tội ác”.
Năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TPHCM, cùng Trạm bảo vệ thực vật Củ Chi đã phát hiện một hộ ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi sử dụng nhớt thải để tưới rau muống. Bà N.T. C, quê Hà Nam, vào Sài Gòn thuê 5 ha đất trồng rau muống. Bà C. cho biết, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ hơn 20 ngày. Ngoài phân bón, bà còn thu mua nhớt thải với giá 12.000 đồng /lít, tại các tiệm sửa xe để tưới, diệt sâu rầy, kích thích độ xanh cho lá rau…
Chủ trồng rau muống thường tưới nhớt vào các giờ vắng người, diễn ra trong thời gian nhanh, nên phải mất nhiều ngày mật phục các trinh sát mới bắt quả tang. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vỏ bình thuốc diệt cỏ, sâu, rầy… dán nhãn độc hại. Khi bị chất vấn về việc tưới nhớt thải trồng rau, bà C. trả lời tỉnh bơ: “Tôi học của những người khác. tôi không nghĩ nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn rau”.
Trong lúc đó, theo ý kiến của bác sĩ Trương Phi Hùng, “việc sử dụng nhớt thải để tưới lên rau sẽ rất độc, là nguy cơ tiềm ẩn các thành phần hóa chất độc hại cho người ở trong lá, thân cây rau muống. Khi ăn phải loại rau này, dư lượng chất độc ấy sẽ khiến người ăn mang bệnh”. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, có nhiều người đã bức xúc cho rằng những kẻ sản xuất thực phẩm bẩn là “tội ác”.
Làm gì để chống thực phẩm bẩn hiệu quả?
Thời gian qua, đã có không ít chính sách, quy định chế tài từ Chính phủ ban hành trong lĩnh vực kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất thực phẩm bẩn. Thế nhưng, dường như cuộc chiến này còn rất nhiều gian truân, khi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn của những kẻ gian cũng ngày một trở nên tinh vi hơn. Song, phải nói trong hơn một năm qua, việc Chính phủ, Nhà nước và các cơ quan trung ương đã mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đã góp phần tạo ra nhận thức rõ rệt trong hàng triệu người dân.v.v…
Nếu như trước đây, số người thờ ơ khi sử dụng thực phẩm bẩn rất nhiều, thì nay, dường như người người, nhà nhà đều chú trọng đến an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn của gia đình. Mặt khác, Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm có mức xử phạt hình sự cao nhất lên đến 20 năm tù giam. Những hành vi gây hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng con người như sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng… từ lâu đã trở thành vấn nạn.
Tuy nhiên trước đây, những chế tài xử lý của pháp luật đối với các hành vi này còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe, chủ yếu mới dừng lại ở mức cảnh cáo, xử lý hành chính, chỉ khi có hậu quả xảy ra thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hình thức chế tài xử phạt nghiêm khắc vừa được bổ sung vừa qua được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng, trở thành “vũ khí” có đủ sức mạnh răn đe để sắp tới các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm, góp phần đắc lực trong cuộc chiến đẩy lùi sự xâm hại của thực phẩm bẩn – kẻ thù số 1 của sức khỏe con người.