“Nhảy dù” phá rừng
Tình trạng di cư tự do tại Tây Nguyên nói chung và tại tỉnh Đắk Nông nói riêng đang gây áp lực lớn, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình di dân buộc người dân tìm vào các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… phá rừng, lấn đất sản xuất, lập bon sinh sống.
Trước thực trạng này, đầu năm 2017, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức đối thoại với 47/55 hộ dân là đồng bào dân tộc M’Nông cư trú tại tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông kiến nghị trở về lập bon cũ tại tiểu khu 1500, 1487 thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thuộc lâm phần quản lý Cty TNHH MTV Nam Tây Nguyên (Cty Nam Tây Nguyên).
Trong khi chính quyền 2 tỉnh giải quyết kiến nghị trên thì ngày 15.6 vừa qua, Cty Nam Tây Nguyên đã thống kê 11/15 hộ dân tại bon Bù Nga sống trong tiểu khu 1500, 1594 lấn chiếm hơn 14ha.
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Phó Giám đốc Cty Nam Tây Nguyên cho biết, dù tuyên truyền, vận động ra khỏi khu vực rừng tự nhiên nhưng các hộ dân vẫn tập trung đông người phá rừng. “Họ kéo hàng chục người ở trong các lán trại, chòi bạt tạm bợ, lợi dụng trời mưa, nước lớn để phá rừng. Chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Tuy Đức lập kế hoạch và tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa đối với các hộ dân cố tình chống đối” – ông Hoàng thông tin.
Tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), tình trạng phá rừng do dân di cư tự do phá đang diễn biến phức tạp chưa có chiều hướng suy giảm. Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho biết, năm 2011, tại khu 1644, 1645 do Cty lâm nghiệp trên địa bàn quản lý có 3 hộ từ phía bắc “nhảy dù” giữa rừng thuộc săn bắn hái lượm.
Từ 3 hộ dân ban đầu thì nay lên đến 126 hộ ngang nhiên phá hàng trăm ha rừng lấy đất sản xuất. Theo ông Đức, khi lực lượng chức năng lập đoàn tổ chức ngăn chặn phá rừng, nhiều đối tượng manh động đập phá phương tiện đi lại, dùng gậy, súng kíp tự chế chống trả, hậu quả khiến cán bộ kiểm lâm bị thương.
“Ngay từ ngày những hộ dân “nhảy dù” giữa rừng sinh sống, tôi đã báo cáo lên cấp trên nhưng không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành. Một khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nữa là nhân viên tại Hợp tác xã ít người, không có công cụ hỗ trợ, không được phép trực tiếp xử lý vụ việc, trong khi các đối tượng manh động, chống trả quyết liệt...” – ông Đức chia sẻ.
Xử lý nghiêm sai phạm
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Nông Lê Quang Dân cho rằng, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, vật chất của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ông Dần khẳng định việc người dân tổ chức thành từng nhóm phá rừng, thành lập bon giữa rừng tự nhiên tại trên địa bàn tỉnh là vi phạm pháp luật.
“Tình trạng phá rừng có nhiều nguyên nhân nhưng qua xác minh, chúng tôi khẳng định tình trạng phá rừng tự nhiên theo từng nhóm người là do người dân bị kích động, xúi giục. Hiện cơ quan công an đang điều tra xác định đối tượng cầm đầu xử lý theo quy định” – ông Dần nói.
Trước việc các hộ dân ở tỉnh Bình Phước kiến nghị được trở về lập bon cũ tại lâm phần thuộc của Cty Nam Tây Nguyên với lý do chăm sóc mồ mả, tổ tiên, ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng kiến nghị này là không phù hợp. Theo ông Tùng, tại vị trí nơi các hộ dân ở hiện đã được Đảng, Nhà nước các cấp của 2 tỉnh chăm lo, điều kiện cuộc sống và sản xuất ổn định.
“Tiểu khu 1500, 1487 hiện là rừng tự nhiên, diện tích đông đặc nên việc tái lập bon sẽ phải chuyển đổi diện tích rừng, trong khi đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không cho chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên. Chính vì vậy nên việc tái lập bon tại khu vực này không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước...” - ông Tùng nói.