Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại - Trưởng khoa Tai-mũi-họng, Bệnh viện FV - vừa phẫu thuật thành công ca tái tạo xương hàm mặt bằng vi phẫu thuật ghép vạt xương mác của chính bệnh nhân đó. Bệnh nhân nam tên H.V.T, 61 tuổi, là lao động tự do ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Ông T. được Bệnh viện FV chẩn đoán bị hoại tử xương hàm dưới và được nhập viện ngày 13.2.
Ngày 14.2, bác sĩ Đại thực hiện ca mổ kéo dài 7 tiếng. Bác sĩ Đại cùng ê-kip đã phẫu thuật mở khí quản, cắt bỏ phần xương hàm dưới bị hoại tử và lấy xương mác từ vùng cẳng chân của ông T. để tái tạo phần xương hàm đã cắt bỏ.
Tái tạo xương hàm cho bệnh nhân. |
Dự đoán bệnh nhân sẽ bình phục trong vòng 8 tuần. Kỹ thuật ghép xương mác tự thân giúp tái tạo lại đường viền khuôn mặt bình thường. Xương hàm sau ghép được nuôi sống nên cho phép phục hình răng bằng cấy ghép implant, nhờ đó phục hồi được tốt nhất chức năng ăn nhai cho bệnh nhân, cũng như phục hồi nụ cười trên khuôn mặt. Còn việc lấy một đoạn xương mác từ chân không ảnh hưởng đến chức năng chi của cơ thể bệnh nhân vì xương mác sẽ tự phục hồi.
Mẫu xương hàm bị hoại tử... |
Theo bác sĩ Đại, Bệnh viện FV đã tiếp nhận các trường hợp tương tự và đã điều trị thành công. Kỹ thuật tái tạo xương hàm bằng xương mác là một kỹ thuật khó, đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật phải giỏi về chuyên môn, khéo léo và kỹ năng ghép bảo đảm tính thẩm mỹ, cũng như cần các trang thiết bị y tế hiện đại.
Vị trí xương mác dưới chân. |
Những bệnh nhân bị căn bệnh như trên nếu không được điều trị bằng kỹ thuật vi phẫu thuật này phải chấp nhận chung sống với khuyết tật; hoặc nếu áp dụng các phương pháp thông thường không phải kỹ thuật cao như vậy thì hiệu quả thẩm mỹ không bảo đảm và khuôn mặt người bệnh không được tự nhiên hoàn toàn.
Bác sĩ Đại và ê-kip mổ đã ứng dụng kỹ thuật cao trong chuyên ngành của mình để giúp bệnh nhân không chỉ được điều trị thành công mà còn có được chất lượng sống tốt hơn.