Là một thầy thuốc trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân nghiện ma túy và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ có thể chia sẻ những khó khăn của mình?
Bệnh viện 09 là nơi thực hiện tiếp nhận chăm sóc và điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS. Đây là môi trường bệnh nghề đặc biệt nguy hiểm. Nguy hiểm từ phía người bệnh về nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Mặt khác đó là các bệnh nhân ở đây bị suy giảm miễn dịch nên có thể bị nhiễm bất kỳ loại vi khuẩn, vi rút hay một loại bệnh nào khác. Các bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp, nguy hiểm cho cả những người thăm, khám bệnh.
Có những người vào đây làm nhưng vẫn chưa hết sợ sệt môi trường làm việc nguy hiểm này. Nhiều người cũng vào đây làm nhưng vẫn mang tư tưởng vào đây làm một thời gian để tìm cơ hội được chuyển công tác…
Hơn thế nữa, không chỉ bệnh nhân, mà chính cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện đôi khi cũng bị kỳ thị, phân biệt. Những khó khăn về đời sống vật chất, về bệnh nghề nguy hiểm, về khả năng lây nhiễm, về cơm, áo, gạo tiền, về mối quan hệ về mọi cái làm cho tư tưởng người ta không ổn định và khó tìm được sự gắn bó lâu dài.
Vậy bác sĩ có thể chia sẻ về những kỷ niệm khi làm việc tại đây?
Khác với không khí ồn ào tại các bệnh viện khác, đa số bệnh nhân vào đây còn bị gia đình bỏ lại, phần đời còn lại lấy bệnh viện là nhà. Chính những người trong gia đình cũng kỳ thị với họ. Có những bệnh nhân trước lúc chết hai dòng nước mắt cứ chảy dài, chảy dài rồi nấc lên từng tiếng, lắc đầu xua tay không nói được câu gì, ân hận với lỗi lầm của mình. Cho đến bây giờ, dưới nghĩa trang còn hơn 100 lọ tro cốt không biết tung tích, không có địa chỉ trả lại tro cốt.
Bệnh viện không có cơ chế dịch vụ có thu do đó ngân sách rất eo hẹp. Đời sống của cán bộ, nhân viên gặp rất nhiều khó khăn. 70% cán bộ, nhân viên còn phải đi thuê nhà. Có những người ban ngày làm thầy thuốc, tối về chở gạch, bán nước, bán quần áo để trang trải cho cuộc sống. Công đoàn bệnh viện đã rất nỗ lực nhưng ngân sách rất nhỏ nên việc chăm sóc, chế độ cho công đoàn viên, người lao động cũng không được như những nơi khác. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi trăn trở để cán bộ công nhân viên được đi nghỉ mát nhưng đó vẫn còn là mơ ước.
Môi trường làm việc có rất nhiều khó khăn nhưng động lực nào đã khiến cho bác sĩ gắn bó với nghề suốt 20 năm qua?
Tôi cho rằng, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Cả hai vợ chồng làm ở đây, đồng hành từ những ngày đầu. Chúng tôi cũng đã có cơ hội chuyển công tác sang môi trường làm việc khác tốt hơn nhưng rồi cho đến giờ này chúng tôi vẫn luôn động viên nhau là hãy cứ yêu, môi trường lĩnh vực mình làm. Như lời dạy “lương y như từ mẫu”, là người thầy thuốc phải rộng lòng hơn, bao dung hơn và vượt qua được những khó khăn mà bao người khác vẫn luôn sợ sệt. Có lẽ đây còn là lĩnh vực đang còn bỏ ngỏ của xã hội. Ở đây chúng tôi thấy nhiều người vẫn cần mình. Trong lĩnh vực này, tôi thấy còn những điều chưa khám phá hết, chưa chinh phục hết, còn nợ nần trong lĩnh vực này. Có lẽ đó là duyên nợ.
Tôi cũng muốn chứng minh một điều rằng môi trường nguy hiểm nhưng chúng tôi không sợ. Chúng tôi làm ở đây, đồng hành, chăm sóc những người bệnh nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS với mong muốn cộng đồng hãy có cái nhìn thoáng hơn, xóa bỏ đi sự khắt khe, kỳ thị với những bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Trước đây, xã hội nhìn hình ảnh của người HIV méo mó. Đôi khi còn có sự nhìn nhận khá khắt khe với người bệnh. Ngoài sự nguy hiểm của bệnh tật đôi khi người ta còn đánh giá, quan niệm về đạo đức về những người nghiện ma túy, nhiễm HIV là những đối tượng xấu. Người ta chưa từ bỏ được kỳ thị đó. Rất mong xã hội sẽ có nhìn nhận đúng đắn hơn về những người bệnh này.