Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 20.5 tuyên bố ngừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý từ bỏ những lời đe dọa đánh thuế lẫn nhau, và nỗ lực tìm ra thỏa thuận về thương mại toàn diện.
Trong tuyên bố chung, Trung Quốc đồng ý "tăng mua đáng kể" các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác của Mỹ. Tuy nhiên, hai bên không đưa ra dấu hiệu chấm dứt các khiếu nại của Mỹ về tiếp cận thị trường và chính sách công nghệ.
"Tuyên bố của ông Mnuchin cho thấy hai bên hy vọng tránh được cuộc chiến tranh thương mại. Mặc dù tương tác giữa hai nước ngày càng gia tăng, nhưng chúng tôi không thể đảm bảo với các bạn rằng họ sẽ không đối mặt với xích mích hoặc tranh chấp trong tương lai" - AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết hôm 21.5.
Tổng thống Donald Trump trước đó đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với 150 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, trả đũa cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp hoặc gây sức ép buộc các công ty nước ngoài trao đổi công nghệ để được tiếp cận thị trường nước này. Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố áp thuế với 50 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mnuchin hoan nghênh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt được "tiến bộ có ý nghĩa", nhưng không đưa ra dấu hiệu nào về việc hai bên có thể tiến gần đến một giải pháp tổng thể.
"Khoảng lặng này có thể chỉ là tạm thời do những 'vấn đề cấu trúc' chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc" - ông Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết. "Tôi không nghĩ sự tạm ngừng này sẽ kéo dài. Sự đối kháng trong thương mại sẽ giảm nhưng ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung về lâu dài".
Trong khi đó, phát ngôn viên Lục Khảng tuyên bố, Bắc Kinh muốn duy trì mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. "Nếu hai chính phủ có thể đạt được thỏa thuận chấp nhận được với cả hai bên, thì hai chính phủ chắc chắn sẽ tuân thủ" - ông Lục Khảng nói.
"Chúng tôi tin rằng kết quả đó sẽ nhận được sự hoan nghênh của người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp hai nước, cũng như cộng đồng quốc tế".
Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung, Jacob Parker, nhận định rằng các yếu tố nguy cơ lớn hiện nay bao gồm liệu Trung Quốc có hành động đủ nhanh về thặng dư thương mại và liệu hai bên có thể thiết lập đối thoại để thảo luận các vấn đề cấu trúc hay không.
Đối với Mỹ, ông Parker nói, có rất nhiều động lực khác nhau trong cuộc chơi, và có nhiều bên liên quan khác nhau ở Washington. Do đó việc tìm ra sự đồng thuận của chính quyền Donald Turmp để đảm bảo một chính sách thống nhất khi tham gia với Trung Quốc là điều rất quan trọng để hai bên đi đến một thỏa thuận.