Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định: "Một chính phủ phát triển kiến tạo, liêm chính đang hiện hữu trong đời sống dù còn nhiều việc phải làm. Đảng và Chính phủ đang tích cực tấn công phá vỡ sự trì trệ, dấn thân vào những việc khó, như tấn công vào những nhóm lợi ích, tích cực theo dõi đôn đốc các bộ ngành và địa phương... Kết quả đó củng cố, tăng cường đáng kể niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân".
Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn như:
Một số bộ ngành địa phương vẫn chưa thực sự chuyển động, vẫn còn những ý kiến bàn lùi, xu nịnh, bệnh thành tích, tham mưu theo kiểu hại nước lợi mình, thiếu công khai minh bạch...
Công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm. Thực tế, trẻ em đang đứng trước nhiều thách thức như bị bỏ rơi, tự kỷ, tự tử, vi phạm pháp luật, phá hoại nhân cách do sự vô tình của người lớn... Những điều đó có tác động rất lớn tới xã hội, gây nguy cơ phá hoại nguồn nhân lực trong tương lai.
Đại biểu Hiểu cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó như chưa coi trọng giáo dục cho trẻ trước 6 tuổi; người lớn thiếu ngương mẫu, tinh thần chung tay của toàn xã hội còn hạn chế...
Từ đó, đại biểu Hiểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm giám sát thực hiện Luật Trẻ em, chỉ đạo làm tốt công tác quản lý giáo dục đào tạo trẻ em, tăng cường mô hình mới bảo vệ trẻ an toàn, cần phải nhận thức đúng nền tảng của bậc học mầm non...
Trong đó, cần đổi mới nội dung cách thức mô hình giáo dục trẻ, quan tâm tới đội ngũ nhà giáo, tăng lương cho giáo viên mầm non. Quyết không để còn những trường hợp giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.
Về vấn đề lao động việc làm, đại biểu Hiểu đồng tình với Chính phủ khi chỉ rõ những khó khăn của người lao động hiện nay như việc làm không bền vững, công nhân lao động thiếu thốn đủ bề cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại tìm cách lách luật càng gây khó khăn hơn cho đội ngũ công nhân lao động...
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng sự việc giáo viên đi dạy 37 năm mà chỉ nhận lương hưu 1,3 triệu/tháng có sự thực đằng sau mà mọi người chưa hiểu hết. Thực tế, trường hợp này mặc dù đi dạy 37 năm, song mới đóng bảo hiểm xã hội được 22 năm thì tới tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm của cô giáo này cũng thấp, chỉ ở mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Vì thế, khi về hưu, tính theo mức đóng 22 năm của 1,8 triệu đồng thì chỉ được hưởng 69%, tương đương với mức lương 1 triệu 270 nghìn đồng.
Vì quy định của chúng ta khi trường hợp về hưu nếu không đủ lương cơ bản thì sẽ được bù thêm, do vậy mức lương 1,3 triệu lương hưu của cô giáo là đã có phần bù thêm 30 nghìn đồng của Nhà nước.